Người làm nghề trồng phật thủ tất bật vào vụ Tết
(Dân trí) - Phải chờ tới 2 năm chăm bón vất vả, những trái phật thủ của người dân Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội) giờ đây mới trĩu cành trên nền đất mới trong thời điểm giáp Tết này.
Dịp giáp Tết là thời điểm các hộ gia đình trồng cây phật thủ tại xã Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội) lại tất bật với việc chăm sóc những vườn phật thủ để phục vụ thị trường Xuân Tân Sửu đang tới gần.
Vụ Tết đang tới gần
Vài năm trở lại đây, người dân Đắc Sở thường đi thuê đất ở khắp các nơi ven sông trên các địa phương lân cận. Đất xã Trung Châu (Đan Phượng, Hà Nội) là nơi nhiều người gửi gắm niềm tin vào việc phát triển mô hình vườn phật thủ.
Ông Nguyễn Văn Thường - Chủ của vườn trồng phật thủ rộng 3.600 m2 ở xã Trung Châu - phấn khởi vì quả phật thủ đẹp mã. "Gia đình tôi bắt đầu trồng vụ này từ năm ngoái. Với 280 cây, vườn sẽ cho ra khoảng 2.000 trái.
Ông cho biết, quả phật thủ có đặc điểm tươi lâu (tối đa từ 6-8 tháng). Nên ngay từ thời điểm hiện tại, vợ ông đã mang những trái phật thủ ra chợ Long Biên bán cho khách thập phương.
Cũng theo ông Thường, ngày càng nhiều gia đình kinh tế khá giả có nhu cầu hỏi mua quả phật thủ để lễ lên ông bà tổ tiên vào mồng 1 hay ngày Rằm hay lễ Phật Đản. Vì vậy, quả phật thủ càng giống bàn tay Phật kết hợp độ xanh, bóng thì càng nhiều người ưa chuộng và bán được giá cao.
Giá 1 trái phật thủ có dáng đẹp, cân nặng có thể dao động từ 800.000-1.000.000 đồng. Ngoài ra, nhiều người còn đem loại quả này ngâm rượu và ăn trầu.
Khác với tâm trạng phấn khởi của ông Thường, anh Nguyễn Văn Hiện - chủ khu vườn rộng 2 mẫu 7 - lại tỏ ra rất lo lắng. Do thời tiết khắc nghiệt, nhiều cây phật thủ trong vườn của gia đình anh có hiện tượng vàng lá, rụng lá. Nhiều cây cho ra quả không đạt được chất lượng.
"Tôi thuê khu đất này với giá 2.5 triệu đồng/sào. Mất nhiều tiền mua phân bón, thuê nhân công thời vụ. Gia đình dày công chăm bón chỉ để đợi dịp Tết này. Nếu không thu về được 300 triệu đồng thì coi như thua lỗ", anh nói.
Tâm sự với PV anh Hiện cho biết, đợt Covid-19 vừa rồi khiến "đầu ra" của phật thủ khó khăn. Bất đắc dĩ, gia đình anh đành làm thêm công đoạn sấy khô, rồi xuất khẩu sang Trung Quốc với giá chỉ từ 2.000 - 10.000 đồng/cân.
Phật thủ Đắc Sở giờ hiếm khi trồng ở… Đắc Sở
Đã nhiều năm qua, người dân Đắc Sở phải đi tìm đất để trồng phật thủ ở các địa phương lân cận như Đan Phượng, Quốc Oai, Phúc Thọ.
Tại vùng bãi ven sông Đáy tại xã Yên Sở, có vài hộ gia đình sang thuê đất nơi này. Nhưng như nhiều người lớn tuổi có kinh nghiệm chia sẻ, khu vực này, giờ đây cũng không được thích hợp cho sự phát triển của phật thủ.
Sở dĩ, nhiều người còn níu lại nơi đây bởi chưa tìm thuê được đất hay những người già chỉ trồng túc tắc, "lấy công làm lãi". Muốn trồng được loài cây khó tính này, yếu tố đầu tiên phải tính đến là: Đất.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Văn Thường cho hay: "Phật thủ ưa thích đất bãi bồi pha cát ven sông. Nhưng giống này trồng được 5, 6 năm lại mắc những bệnh khiến người dân bó tay. Đó là tự dưng cây héo, gãy cành rồi chết, không thể trồng lại dù cải tạo đất tới vài năm".
Phật thủ là giống cây "khó tính", nên kỹ thuật trồng cây khá phức tạp. Thông thường, người dân Đắc Sở trồng cây theo 2 phương pháp là trồng giâm cành và trồng cây con trực tiếp.
Yếu tố kế tiếp phải kể đến là thời tiết. Cây phật thủ kỵ thời tiết lạnh giá, ưa ấm áp. Những ngày nhiệt độ giảm sâu, hanh khô như hiện tại, ông Thường nói cần tưới nước quanh gốc vừa đủ để đảm bảo độ ẩm thích hợp.
Ngoài ra, phật thủ nếu không được chăm sóc kỹ lưỡng, dùng loại thuốc trừ bệnh kịp thời rất dễ dẫn đến thối gốc, cành lá xuất hiện nhiều côn trùng như con chích hút, nhện làm hại cho cây.
Bên cạnh đó, người dân Đắc Sở rất lưu tâm đến việc bảo quản trái phật thủ bởi hình thức quyết định chất lượng.
"Quả này ít người ăn, chủ yếu người ta ưa về mẫu mã đẹp. Hiện nay, gia đình tôi chuẩn bị rất nhiều thùng xốp, giấy báo, bông mềm lót dưới để làm sao khi tới tay khách hàng, sản phẩm vẫn nguyên vẹn, không bị dập nát", anh Nguyễn Văn Hiện cho hay.