Người phục chế mũ vua
Ông Vũ Kim Lộc ở đường Nguyễn Thái Bình, Q.1 (TP. HCM), người duy nhất hiện nay phục chế mũ vua và mũ quan lại xưa...
Hơn 20 năm trước, ông Lộc vào Sài Gòn khởi nghiệp từ một thợ kim hoàn, rồi ông say mê với việc phục chế các chi tiết bằng vàng, bạc trên mũ xưa, từ đó ông say mê công việc phục chế mũ vua chúa xưa (nghề phục hồi mũ mã vĩ) và trở thành gương mặt quen thuộc trong giới đồ cổ.
Bén duyên
Chúng tôi đến nhà khi ông đang say sưa mân mê với những lông đuôi ngựa, khuôn xốp, những hạt mã não, những hình chạm khắc rồng phượng, hoa lá bằng kim loại... các chất liệu này dùng làm mũ vua, quan lại triều Nguyễn xưa. Ông nói công việc này của ông nhằm phục vụ chê, phục dựng lại một số mũ quan lại các cấp thời nhà Nguyễn xưa.
Nói về cơ duyên ông bén rễ từ nghề kim hoàn rồi phục chế mũ vua, quan lại xưa ông chia sẽ, ông đến với nghề phục hồi mũ mã vĩ cũng thật tình cờ, thế nhưng điều ấy lại trở nên niềm đam mê không thể thiếu trong cuộc sống của ông. Ông vào sài gòn lập nghiệp bắt đầu bằng một thợ vàng (thợ kim hoàn).
Từ việc đam mê, ông tìm tòi phục hồi các loại mũ vua, quan lại triều Nguyễn xưa bằng cách dựa trên những câu chuyện về mũ mã, những hình ảnh tư liệu mà ông tập hợp, tận mắt chứng kiến.
Hễ có thông tin về những bức tượng xuất lộ ở đâu đó trên nhiều miền của đất nước ông lại tìm đến xem và tìm hiểu về những chi tiết trên mũ. Thậm chí có những tượng xưa ở nước ngoài ông không đến được nhưng tìm cách để có được những hình ảnh về bức tượng ấy. Trãi qua thời gian dài, những gì liên quan đến mũ miện đều được ông sưu tập, rồi cứ vậy đam mê dần dần thấm vào máu, thấm vào cuộc sống của chính ông lúc nào không hay. Tất cả đã hình thành một kho giữ liệu về mũ miện, hầu hết ở các loại đặc biệt của triều Nguyễn.
Phục hồi bốn mũ vua
Trong một lần tình cờ một nhà sưu tập đồ cổ ở TP. HCM đưa cho ông một chiếc mũ bằng vàng của vua Chăm nói ông phục chế chiếc “mũ”, chiếc mũ lúc này chỉ là một mớ mảnh vàng được chạm khắc, chứ phần cốt mũ đã bị mục rạ ra thành từng phần.
Suy nghĩ một lúc lâu ông gật đầu. Thế là ông mày mò cách đan cốt mũ, ông làm khuôn xốp. Sau rất nhiều lần thất bại phần cốt mũ cũng hoàn thành... chiếc mũ được phục hồi rất hài lòng nhiểu người. Từ những thành công bắt đầu ấy, ông bất ngờ được bảo tàng lịch sử Việt Nam liên hệ trong việc phục hồi bốn chiếc mũ của vua triều Nguyễn.
Lúc tiếp cận bốn chiếc mũ vua để bắt đầu công việc phục hồi, ông vô cùng ngỡ ngàng và xúc động về hiện trạng của chúng. Bốn mũ vua được đựng trong hai túi, tất cả các loại hình trang trí bằng vàng và đá quí trên mũ đều bị tháo rời và vo cuộn lại, trong đó có rất nhiều các chất thải của loài mối cùng các loại hình bị gãy nát và hoàn toàn không có cốt mũ. Những ngày thực hiện công việc phục hồi bốn mũ vua đến với ông đầy gian nan, ông nói ngày ấy “ăn thấy mũ, ngủ cũng thấy mũ”.
Bốn mũ vua triều Nguyễn sau nhiều tháng làm việc trong sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng được hoàn thành, được đánh giá phục hồi thành công mỹ mãn. Tiếp đó ông tiếp tục phục hồi mũ của các quan văn, quan võ xưa.
Nghề làm mũ mã vĩ là nghề mà người thợ thủ công lấy lông đuôi ngựa, làm nguyên liệu, cùng các chất liệu khác để thêu tạo nên mũ vua, quan lại xưa. Ngày nay nghề này dường như đã thất truyền. Ông Vũ Kim Lộc là người duy nhất còn giữ được nghề này và thực hiện phục chế các mũ vua, quan lại xưa để lưu giữ cho thế hệ sau biết về một nghề xa xưa của cha ông.
Theo Công Thường/Báo Diễn Đàn Doanh nghiệp