Chật vật giữ làng nghề đóng ghe, xuồng Ngã Bảy
Thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) nơi hội tụ của 7 nhánh sông, một thuở nổi tiếng “ăn nên làm ra” với làng nghề đóng ghe, xuồng Ngã Bảy phục vụ nhu cầu lưu thông trên sông nước miền Tây. Thế nhưng, thời vàng son đó đã là dĩ vãng. Hiện làng nghề này chỉ sót lại vài người bám nghề theo kiểu “làm cho vui”, bởi có đóng nhiều thì cũng chỉ để... ngắm!
Cả năm chỉ bán được 1 chiếc ghe
Men theo con đường nhỏ dọc kênh Sóc Trăng, chúng tôi tìm đến làng nghề đóng ghe, xuồng nức tiếng một thuở tại phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy. Theo chỉ dẫn của người quen, chúng tôi cũng tìm tới được cơ sở đóng ghe của ông Nguyễn Văn Luân (58 tuổi, ngụ khu vực 6) khi ông đang mắc võng nằm thư thái hút thuốc, uống trà.
Đây cũng là 1 trong 2 cơ sở cuối cùng ở phường Hiệp Thành còn theo nghề của cha ông truyền lại. Nói là cơ sở, nhưng theo chia sẻ của ông Luân, lâu nay chỉ còn một mình ông là chủ kiêm luôn thợ, chứ không thuê, mướn ai làm cùng. 3 người con trai của ông cũng không ai theo nghề của cha mà học nghề cắt tóc, bán vật liệu xây dựng, đi làm mướn.
“Ế ẩm quá trời chú ơi. Cả năm 2017, tui chỉ bán được 1 chiếc ghe tam bản. Còn xuồng thì không ai đặt nên không đóng luôn. Từ đầu năm 2018 đến nay, có khá hơn chút xíu là đã bán được 5 chiếc xuồng, còn 5 chiếc nhàn rỗi nên đóng sẵn đó mà chưa có người mua” - ông Luân chia sẻ. Theo ông Luân, mỗi chiếc ghe tam bản, ông bán giá 5 triệu đồng. Còn xuồng do nhỏ hơn nên bán từ 2 - 3 triệu 1 chiếc tùy loại 3 lá hay 5 lá.
Tại cơ sở của ông Nguyễn Văn Be (70 tuổi, ngụ khu vực 1) cũng chẳng có tiếng cưa, đục gì. Trong nhà xưởng, xuồng, ghe còn sắp đống đến 15 chiếc chưa có người mua. Anh Nguyễn Văn Tiến (40 tuổi) là con trai thứ 7 của ông Be buồn bã nói “Nghề này giờ hết thời rồi.
Cha mẹ tôi sinh ra 8 anh em trai mà giờ chỉ còn anh thứ 3 theo nghề cha kiểu “làm chơi”, vui thì làm, không thì nghỉ đi nhậu lai rai. Anh thứ 2 trước có theo nhưng chán quá đã bỏ”. Nói rồi anh Tiến thở dài, kể, từ đầu năm đến nay, cha mình mới chỉ bán được 1 chiếc ghe tam bản giá gần 5 triệu đồng.
Biết giờ theo nghề cha là “chết đói”, nên anh Tiến không theo mà mở xưởng cưa để mưu sinh. “Nghề cưa gỗ cũng khó khăn hơn trước do nhiều người bỏ nghề đóng ghe, xuồng. Tuy nhiên, dù sao thì vẫn còn sống tốt hơn, bởi người ta còn cần cưa gỗ làm nhà, đóng các vật dụng như giường, tủ, bàn ghế...” - anh Tiến chia sẻ thêm.
Tiếc một thuở vàng son
Nhâm nhi li trà nóng, ông Luân hồi tưởng lại một thuở vàng son của làng nghề đóng ghe, xuồng Ngã Bảy nức tiếng gần xa. “Ngày trước, lúc 15 tuổi là tui đã lành nghề của cha mình rồi. Trong nhà, lúc nào cũng có 20 người thợ hỳ hục đục, đẽo làm ngày, làm đêm mà không kịp giao hàng cho người đặt mua.
Vào mùa nước nổi, có ngày bán được 20 chiếc xuồng. Nói không ngoa là người mua xuồng, ghe đông như đi chợ mua rau” - ông Luân vẻ háo hức nhớ lại một thời hoàng kim nhất của làng nghề đóng ghe, xuồng Nghã Bảy kéo dài trong khoảng từ 1976 - 1986, sau đó thì lụi dần.
Trong kí ức của ông Luân, ngày đó làng nghề có đến 42 cơ sở đóng ghe xuồng, từ đầu làng đến cuối xóm, đi đâu cũng nghe tiếng cui, đục, tiếng xẻ gỗ, cưa ván. Ấy thế mà không ngờ, nó sớm lụi tàn, đến nay chỉ còn 2 gia đình bám nghề trong tình trạng đã “chết lâm sàng”.
Hỏi, đâu là nguyên nhân khiến làng nghề mai một, ông Luân nói rằng, do từ thập niên 90, đường bộ được đầu tư mạnh đến tận thôn, xóm nên người ta sử dụng xe máy làm phương tiện đi lại thay thế xuồng, ghe rất nhiều.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác là xuất hiện xuồng, ghe làm bằng chất liệu composite cạnh tranh khốc liệt, thậm chí “đá bay” xuồng, ghe đóng bằng gỗ. Bởi, chất liệu từ composite nhẹ, đẹp. Tuy vậy, ông Luân cho rằng, nếu dùng chuyên chở thì xuồng, ghe composite chịu trọng tải kém hơn xuồng, ghe gỗ, khả năng chịu va đập cũng kém hơn.
Ông Thái Sơn Hùng (56 tuổi, ngụ khu vực 6) - người đã bỏ đóng ghe, xuồng mà nâng cấp lên chuyên đóng tàu biển ở phường Hiệp Thành - nhớ lại: “Ngày đó tôi chỉ học đến lớp 9 rồi nghỉ để theo cha làm nghề đóng ghe, xuồng. Vào thời kỳ sôi động nhất, nhà tôi đóng không kịp cho người đến mua.
Bình quân ngày bán 5 - 10 chiếc. Tính ra, tháng cao điểm bán đến vài trăm chiếc”. Theo lời ông Hùng, từ khoảng năm 1990 trở về sau thì làng nghề “chết” dần do đường bộ phát triển nhanh, phương tiện xe máy tàu ồ ạt tràn về, giá lại rẻ nên người ta sử dụng làm phương tiện đi lại thay thế. Rồi xuồng, ghe vỏ gỗ bị cạnh tranh bởi sự xuất hiện của xuồng, ghe làm bằng chất liệu composite.
Giữ nghề bằng hướng đi mới
Là 1 trong vài cơ sở ở làng nghề đóng xuồng, ghe Ngã Bảy xưa tiên phong thí điểm đóng tàu biển khi biết nghề đóng ghe, xuồng đang “chết” dần, ông Nguyễn Văn Lộc (55 tuổi, ngụ khu vực 6) chia sẻ rằng, từ năm 1997, sau cơn bão lớn đánh hỏng hàng ngàn tàu, thuyền của các tỉnh ven biển Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu nên ngư dân có nhu cầu đóng mới lại tàu cá tăng đột biến.
Trong khi các cơ sở đóng tàu ở các địa phương này đóng không kịp, nên ông Lộc đã chớp thời cơ chuyển sang nghề đóng tàu biển. Qua thời gian, từ đóng tàu nhỏ, nâng dần công suất, nay cơ sở của ông Lộc đã đóng chuyên nghiệp được tàu cá công suất 600 - 700 CV đánh bắt xa bờ, bán trên dưới 1 tỉ đồng/chiếc.
Với loại tàu lớn này, hiện mỗi năm, ông Lộc đóng được 5 - 6 chiếc. Ngoài ra, ông còn đóng tàu chở khách du lịch loại 2 tầng phục vụ du lịch ở bến Ninh Kiều, TP.Cần Thơ. Hiện ở phường Hiệp Thành, cơ sở đóng tàu của ông Lộc là lớn nhất với cái tên Cơ sở đóng tàu thuyền Đức Thành.
“Nói chung từ khi chuyển qua nghề đóng tàu biển, cơ sở của tôi hoạt động tốt hơn hẳn. Hiện tôi nuôi dao động từ 20 - 30 công nhân. Sản phẩm của chúng tôi bán đi nhiều tỉnh trong khu vực” - ông Lộc chia sẻ. Thấy nghề của cha “làm ăn được”, con trai ông Lộc lâu nay đang theo nghề của cha.
Thấy khốn khó, bế tắc dần với nghề đóng ghe, xuồng, từ năm 1992, ông Thái Sơn Hùng (56 tuổi, ngụ khu vực 6) bắt đầu mon men học đóng tàu biển. Đồng thời vẫn duy trì đóng ghe, xuồng để lấy “ngắn nuôi dài”.
Khi nghề đóng tàu biển đã rành, đắt khách, khoảng 5 năm nay, cơ sở của ông Hùng không còn đóng ghe, xuồng nữa mà chỉ tập trung đóng tàu và thành lập luôn doanh nghiệp tư nhân, trại đóng tàu biển mang tên Thái Hùng chuyên đóng tàu biển “Hiện mỗi năm tôi đóng từ 15 - 20 chiếc tàu đánh cá công suất chủ yếu vào khoảng 400CV. Mỗi chiếc bán giá trên, dưới 300 triệu. Tôi thấy nghề nay đang ổn. Chưa có dấu hiệu giảm khách” - ông Hùng chia sẻ.
Theo lời ông Hùng, cái khó của nghề này là hiện nay, đóng tàu biển thì nhu cầu cần gỗ rất lớn. Thế nhưng gỗ khan hiếm, giá cao nên buộc phải đẩy giá bán tàu lên cao cũng là điều khiến ông trăn trở. Thêm nữa, một số cầu trên các sông ở Ngã Bảy làm từ xưa, thiết kế thấp nên khi cơ sở của ông đóng tàu hoàn thiện, gặp khó khăn trong việc di chuyển ra sông lớn để bàn giao cho khách hàng.
Ông Phạm Hoài Bạch - Phó chủ tịch UBND phường Hiệp Thành - nói, những năm 1990 trở về trước, làng nghề đóng ghe, xuồng của Hiệp Thành có tên là làng nghề đóng ghe, xuồng Ngã Bảy. Thời đó, khi đang sôi động, có khoảng 40 cơ sở hoạt động.
Thế nhưng, từ sau 1990, do đường bộ phát triển, rồi có thêm sự cạnh tranh của ghe, xuồng composite nên làng nghề đóng ghe, xuồng bằng gỗ ở Ngã Bảy ế ẩm rồi dần tan rã. Mất nghề, người ta kéo nhau đi làm thuê, làm mướn, lên phố làm công nhân... Hiện, ở phường chỉ còn 4 cơ sở trụ lại với nghề. Trong đó, 2 cơ sở đã chuyển sang chuyên đóng tàu biển.
“Ở phường, giờ có cả công ty đóng xuồng, ghe bằng composite và một số đại lý nhập hàng về bán lẻ. Hình thành nên 1 xóm chuyên bán xuồng, ghe composite ở khu vực 3 luôn. Mà loại này nhẹ, bền, đẹp nên được người dùng ưa chuộng hơn xuồng, ghe bằng gỗ” - ông Bạch lý giải.
Thêm 1 nguyên nhân khác theo phân tích của ông Bạch là do gần đây, sông Mê Kông bị các nước láng giềng ngăn làm đập thủy điện khiến mùa nước nổi, nước không về, tôm cá ít nên không còn “đất” cho cư dân địa phương theo nghề chài, lưới như xưa nên giảm lớn số lượng sắm ghe, xuồng mưu sinh.
Theo Báo Lao Động