Người phụ nữ làng chài tạo sản phẩm che mưa nắng đẹp mắt từ thứ vứt đi
(Dân trí) - Những chiếc rèm, mành với nhiều họa tiết không chỉ có tác dụng che mưa, nắng mà còn tạo điểm nhấn cho không gian làng quê bên dòng sông Lam.
Trong sân, giữa những tấm mành nhựa bao bọc, chị Phạm Thị Hiền (SN 1973, xóm 8, xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) đang ngồi đan miệt mài. Bàn tay người phụ nữ thoăn thoắt chia sợi, luồn, cắt. Chỉ trong thời gian ngắn, từ những sợi đan với 2 màu xanh, đen, hoa văn đẹp mắt đã dần hiện rõ.
"Khách đặt gấp nên phải tranh thủ đan ngày, đan đêm để kịp giao", chị Hiền nói. Vừa hoàn thành đơn hàng, chị vừa tranh thủ livetream (phát sóng trực tiếp) để giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng.
Vợ chồng chị Hiền vốn là dân chài lưới. Chị tạm biệt nghề lênh đênh sông nước, đến với nghề đan mành rèm này khá tình cờ.
Cách đây 7 năm, chị Hiền thấy người ta vứt những sợi nhựa (dùng để cố định các khối gạch, ngói khi vận chuyển) nên nhặt về, duỗi thẳng, sử dụng thay tre, nứa để đan rèm, mành che mát quanh nhà.
"Lúc đó tôi chỉ nghĩ đan cho nhà dùng, vừa bền và tiết kiệm thôi. Cũng chưa có kinh nghiệm gì nên cứ đan kiểu nong mốt (lần lượt một sợi ngang, một sợi dọc đè lên nhau), chưa được đẹp. Nhưng thấy nhà tôi có rèm che mát, một số hộ dân trong xóm cũng đến đặt mua", chị Hiền kể.
Sau những lần cải tiến mẫu mã, chị Hiền tạo ra những tấm rèm với nhiều hoa văn đẹp mắt, chắn nắng, che mưa nhưng thoáng gió.
Thời gian đầu, chị Hiền tận dụng nguồn sợi phế liệu từ các kho gạch, hoặc chỉ mất một chi phí nhỏ công thu gom cho người trông coi kho. Sau dần, chị phải mua lại số sợi nhựa phế liệu này. 10kg sợi, chị mua với giá 80.000 đồng, sau khi loại bỏ các sợi ngắn, nứt và duỗi thẳng, còn lại 5-6kg.
Khi nhu cầu của khách tăng cao, chị Hiền phải mua nguyên cuộn sợi nhựa mới về làm để đảm bảo chất lượng và chủ động nguồn nguyên liệu.
"Cứ 1m2, chi phí sản xuất khoảng 300.000 đồng, trừ nguyên liệu, công thuê người duỗi, tôi lãi 100.000 đồng. Thường một tấm mành, rèm 3m2, tôi đan khoảng 1 buổi. Thời điểm trước Tết hoặc khi chuẩn bị bước vào mùa nắng, khách đặt hàng nhiều hơn, tôi phải làm thâu đêm để kịp giao", chị Hiền chia sẻ.
Công việc này mang lại cho chị thu nhập ổn định, tạo việc làm cho 3 lao động trong gia đình. Bên cạnh đó, chị có thể sắp xếp thời gian để lo cho người chồng bệnh tật và trông cháu thay con.
Bà Lưu Thị Liên (trú xóm 3, xã Xuân Lam) cũng đặt mua một bộ rèm diện tích 14m2, trị giá 7 triệu đồng để bao quanh mái tôn ở khu vực sân.
"Trước đây nhà tôi sử dụng rèm tre, nhưng thời tiết như ở Nghệ An thì tầm 2-3 năm là rèm đã bị hỏng. Dùng rèm nhựa, tôi thấy đẹp và bền hơn", bà Liên cho hay.
Không chỉ đan rèm, mành phục vụ khách hàng hộ gia đình, chị Hiền còn thực hiện các bộ mành, rèm cho các nhà thờ hay đan mủng, mẹt, mai thuyền (tấm lợp trên truyền)...
Với những đơn hàng từ các nhà thờ, cơ sở thờ tự, chị Hiền cho biết, bản thân phải đáp ứng các yêu cầu riêng về hoa văn, họa tiết cũng như kích thước phù hợp với không gian.
Điều này đòi hỏi chị không ngừng cải tiến, sáng tạo ra các hoa văn mới. Bên cạnh cải tiến mẫu mã, điều quan trọng, theo chị Hiền là các sản phẩm làm ra phải đảm bảo chất lượng.
Bà Dương Thị Thuận, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Xuân Lam, nói: "Mô hình sản xuất rèm, mành sợi nhựa của chị Phạm Thị Hiền rất thiết thực. Sản phẩm được làm thủ công, bền, đẹp, chi phí sản xuất không lớn do đó lợi nhuận cũng khá cao, bước đầu tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gia đình".
Tuy nhiên, bà Thuận cũng cho rằng, việc nhân rộng mô hình này đến các hội viên trong Hội cần phải có sự cân nhắc, tính toán, nhất là về đầu ra cho sản phẩm.