Thu cả "núi tiền" từ cau, nông dân vẫn lo cảnh phải phá bỏ cả vườn

Quốc Triều

(Dân trí) - Phải mất 6-7 năm cây cau mới cho trái với năng suất ổn định. Thế nhưng nếu thị trường Trung Quốc ngừng tiêu thụ, người nông dân buộc phải phá bỏ vườn cau.

Giống như nhiều loại nông sản khác, giá cau cũng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Nhu cầu tiêu thụ cau của thị trường này tăng, kéo giá cau tăng, và ngược lại.

Năm nay, giá cau phá vỡ mọi kỷ lục. Thời điểm đầu vụ, giá cau ở mức 40.000 đồng/kg, sau đó tăng dần lên 80.000 đồng/kg. Dù giá cau đang ở mức cao nhưng người nông dân vẫn lo lắng, bởi họ biết rõ sự lên xuống thất thường của thị trường loại quả này.

Đã có thời điểm, chỉ sau một đêm, giá cau từ mức hàng chục nghìn đồng hạ xuống còn 1.000-2.000 đồng/kg. Có thời điểm thị trường Trung Quốc ngừng thu mua nhiều năm liền, buộc người nông dân phải phá bỏ vườn cau.

Thu cả núi tiền từ cau, nông dân vẫn lo cảnh phải phá bỏ cả vườn - 1

Những khu vườn trồng cau của người dân huyện Nghĩa Hành (Ảnh: Quốc Triều).

Năm 2012-2013, giá cau tại Quảng Ngãi chỉ còn 2.000 đồng/kg. Có thời điểm thương lái không thu mua. Cau chín rụng đầy gốc, người nông dân đành phá bỏ, chuyển sang nhiều loại cây trồng khác. Ông Nguyễn Văn Sáu, ở huyện Nghĩa Hành, là một trường hợp như thế.

"Giá cau chỉ cần 8.000-10.000 đồng/kg là cây cau đã cho thu nhập khá hơn các loại cây trồng khác. Nhưng có thời điểm thương lái không mua nên tôi phá bỏ cả vườn", ông Sáu chia sẻ.

Trớ trêu thay, nhiều người vừa phá bỏ vườn cau, giá lại tăng. Giá cau tăng liên tiếp nhiều năm sau đó khiến người nông dân quay lại trồng ồ ạt.

Năm 2014, ông Nguyễn Đức Chi, huyện Nghĩa Hành, cũng phá bỏ vườn cau hơn 10 năm tuổi. Đến năm 2016, ông Chi trồng cau trở lại. Hiện vườn của ông có hơn 400 cây cau.

"Năm nay, giá cau cao quá. Mức giá này mà kéo dài đến tháng 11 thì tôi có thể kiếm được trên 100 triệu đồng. Tuy nhiên, mấy hôm nay giá cau lại có dấu hiệu giảm", ông Chi cho biết.

Thu cả núi tiền từ cau, nông dân vẫn lo cảnh phải phá bỏ cả vườn - 2

Mấy năm gần đây, cây cau mang lại nguồn thu khá cao cho người nông dân Quảng Ngãi (Ảnh: Quốc Triều).

Theo ông Chi, khoảng 3 ngày qua, giá cau giảm khoảng 3.000-5.000 đồng/kg. Ông cũng như nhiều hộ trồng cau bắt đầu lo lắng viễn cảnh giá giảm "không phanh", cau sẽ lại rụng đầy vườn.

"Giá cau không ổn định nên chủ vườn rất lo. Chúng tôi sợ cảnh cau chín rụng đầy vườn lại tái diễn", ông Chi nói thêm.

Huyện Nghĩa Hành và Sơn Tây là 2 địa phương có diện tích trồng cau lớn nhất tại tỉnh Quảng Ngãi.

Trước năm 2019, huyện Nghĩa Hành có khoảng 350ha cau. Thời điểm này, toàn huyện có hơn 700ha cau. Tại huyện miền núi Sơn Tây, diện tích cau giai đoạn 2019-2024 cũng tăng từ 600ha lên 1.000ha.

Theo ông Đinh Xuân Sâm, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành, năm 2024, sản lượng cau của huyện ước đạt 7.400 tấn. Như vậy, cây cau sẽ mang về nguồn thu hàng trăm tỷ đồng cho người nông dân của huyện Nghĩa Hành.

"Giá cau tăng cao là niềm vui nhưng cũng là nỗi lo. Vui vì người nông dân có thu nhập khá cao, nhưng lo vì bà con tiếp tục trồng cau ồ ạt", ông Sâm chia sẻ.

Thu cả núi tiền từ cau, nông dân vẫn lo cảnh phải phá bỏ cả vườn - 3

Chính quyền khuyến cáo người dân nên trồng cau xen canh với các loại cây ăn trái để đảm bảo nguồn thu nhập ổn định (Ảnh: Quốc Triều).

Thời gian qua, giá cau liên tục tăng khiến người dân chuyển đổi từ các cây trồng khác sang cây cau. Đặc biệt, có một số hộ trồng cau trên diện tích đất trồng cây hàng năm.

"Giá cau khá bấp bênh, do đó chúng tôi khuyến cáo người dân không trồng cau ồ ạt mà cần xen canh với các loại cây trồng khác. Điều này sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định, bền vững hơn cho người nông dân", ông Sâm nói.