"Người nhện" làm xiếc trên thân cau
(Dân trí) - Vào chính vụ, mỗi ngày thợ hái cau có thể thu hoạch vài tạ đến cả tấn trái, thu nhập 1-3 triệu đồng. Không phương tiện bảo hộ, rủi ro luôn rình rập những người làm nghề treo mình giữa những ngọn cây.
Xã Duy Vinh được xem là thủ phủ cau của huyện Duy Xuyên, Quảng Nam với 1.000 hộ dân, trồng khoảng 52.000 cây cau, sản lượng bình quân đạt 520 tấn/năm.
Năm nay cau được giá, có thời điểm lập đỉnh lên đến 75.000-85.000 đồng/kg và neo cao trong thời gian khá dài. Do đó số người làm nghề buôn cau cũng tăng so với các năm trước.
Đi buôn cau từ hơn 10 năm nay, anh Phan Thế Phước (38 tuổi, trú tại xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) cho hay, lúc mới vào nghề, chưa quen với nhiều chủ vườn nên anh chủ yếu đi mua dạo. Đến giờ, anh đã có trong tay gần 20 mối nhà vườn.
Theo anh Phước, "mua vườn" có ưu thế khi người chủ chỉ để dành cau bán cho người đã thỏa thuận, đồng nghĩa là người mua phải bao mua trọn gói từ cau nhỏ đến những buồng cau đẹp.
Để hái được buồng cau, anh Phước tròng nài (sợi dây thừng bện lại thành chiếc vòng) vào chân rồi thoăn thoắt như con sóc trèo tới ngọn cây. Anh dùng lưỡi dao nhỏ cắt dứt khoát một nhát rồi giật cả buồng, sau đó nhanh chóng trượt xuống và tiếp đất. Cả quá trình hái 1 buồng cau chưa đến 2 phút.
"Làm riết rồi quen, mình hái càng nhanh thì gom được càng nhiều cau. Thời điểm giá hàng lên phải cạnh tranh từng phút. Ở đây không thuê thợ hái, mà người đi buôn cau sẽ tự thu hoạch để đỡ chi phí phát sinh", anh Phước chia sẻ.
Để thu hoạch được buồng cau chót vót trên ngọn cây, những người thợ bẻ cau phải có ngón nghề riêng. Có người gọi họ là "người nhện" vì cả ngày leo trèo, vắt vẻo trên ngọn cau, có người lại ví đó là những "nghệ sĩ xiếc đi trên thân cau". Vật dụng không thể thiếu của những người thợ đặc biệt này là chiếc mũ, phía sau quai cài có gắn con dao Thái.
Sau khi ngắm nghía sơ qua một lượt số cây cau cần thu hoạch, ông Trần Văn Chín (57 tuổi, ở xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) đeo nài vào 2 bàn chân rồi bám vào thân cây, thoăn thoắt trèo lên hướng ngọn cau cao hàng chục mét.
"Chẳng có bảo hộ gì cả, chỉ có chiếc dây nài đeo vào 2 chân thôi. Hơn 20 năm trong nghề bao lần tôi suýt té ngã, nhưng may trời thương nên còn tồn tại với nghề đến giờ", ông Chín nói.
Không chỉ bám theo công việc mưu sinh đầy vất vả, nguy hiểm, phải trèo những cây cau cao chót vót, ông Chín cho hay không thể nào nhớ hết những lần bị kiến cắn, rồi đối mặt với ong, với rắn sống trên ngọn cau, nhiều lúc còn toạc chân do chủ nhà đóng đinh vào thân cau để mắc lưới nuôi gà.
Chính vụ mùa cau từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, cũng là mùa mưa nên thân cau trơn trượt. Người có kinh nghiệm thường chọn leo những cây cau thân khô, còn những cây trơn ướt để lại, ngày nắng mới quay sang hái sau.
"Thời điểm cau được giá, mỗi ngày lái buôn như chúng tôi có thể thu về 1-3 triệu đồng. Dù vất vả, hiểm nguy nhưng đây là nghề thời vụ tốt, giúp tôi có thêm thu nhập cho con cái ăn học", ông Chín cho hay.
Ông Nguyễn Văn Tài - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Vinh - cho biết, mô hình trồng cau giúp nhiều hộ dân có nguồn thu nhập tương đối khá. Riêng năm 2024, người dân thu lãi 30-40 triệu đồng/vườn, cá biệt có hộ thu 80-100 triệu đồng/vườn. Vườn cau góp phần cải thiện đời sống người dân tại địa phương.
"Vừa qua cau được giá, mang lại thu nhập cao cho cả người trồng và người thu mua. Tuy nhiên, nghề hái cau khá nguy hiểm nên chúng tôi thường xuyên tuyên truyền vận động người dân mua bảo hiểm y tế. Toàn xã, tỷ lệ phủ bảo hiểm y tế đạt trên 90%", lãnh đạo xã Duy Vinh nói.