Người dân bán cau hôm trước, hôm sau "tiếc đứt ruột"
(Dân trí) - Chỉ trong vài ngày, giá cau tăng 5.000-10.000 đồng/kg. Hiện giá cau đã chạm mốc 80.000/kg. Nhiều nhà vườn tiếc nuối vì bán sớm.
Thời điểm này, cây cau ở Quảng Ngãi bắt đầu cho thu hoạch rộ. Nhiều chủ vườn xuất bán 500-600kg cau mỗi lần. Giá cau hiện ở mức 80.000 đồng/kg và tiếp tục tăng.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, huyện Nghĩa Hành, có vườn cau hơn 400 gốc đang cho trái đồng loạt. Những ngày đầu tháng 9, ông Tuấn bán gần 500kg cau chỉ ở mức 65.000-68.000/kg.
"Lần đầu tiên trong đời tôi thấy giá cau tăng từ đầu vụ đến tận bây giờ. Với mức giá này thì năm nay nhiều nhà vườn thu hàng trăm triệu đồng", ông Tuấn nói.
Ông Trần Tấn Duy, huyện Nghĩa Hành, có vườn cau gần 300 cây. Theo ông Duy, một cây cau có 3-4 buồng. Mỗi đợt xuất bán cách nhau khoảng 20 ngày.
Những ngày đầu tháng 9, ông Duy bán một đợt với giá chưa đến 70.000 đồng/kg. Chỉ vài hôm sau, giá tăng lên 75.000 đồng/kg và hiện đã chạm mốc 80.000 đồng/kg.
Ông Duy cho biết, thời điểm này đi đâu cũng nghe người dân bàn tán về giá cau. Có người xuýt xoa vì vừa bán cau hôm trước sang hôm sau đã thấy tiếc vì giá tăng liên tục.
"Người nông dân như chúng tôi mà mỗi tháng thu vài chục triệu đồng là lớn lắm", ông Duy chia sẻ.
Huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi được ví là "xứ ngàn cau" với diện tích hơn 1.000ha. Mấy tháng qua, thương lái dạo khắp nơi tìm mua cau.
Tại địa phương này có nhiều người sở hữu cả nghìn gốc cau, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Ông Đinh Văn Dương, xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây, có 2ha đất trồng cau.
"Mỗi tháng tôi thu hơn 100 triệu đồng tiền bán cau. Đây là mức thu nhập trước đây tôi nằm mơ cũng không dám nghĩ đến", ông Dương chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Thơ, một thương lái, cho biết giá cau dao động liên tục thời gian gần đây. Riêng khoảng 1 tháng qua thì giá tăng từng ngày. Nguyên nhân do thương lái phía Bắc vào tận nơi thu mua nên đưa ra mức giá cao để gom được lượng cau lớn.
Theo anh Thơ, cau được thu mua về sấy khô xuất sang Trung Quốc. Cau khô sau đó được chế biến thành kẹo cau.
"Giá cau sẽ được các thương lái đầu mối phía Bắc điều chỉnh. Có lúc cứ cách một ngày là giá cau tăng thêm vài nghìn đồng", anh Thơ nói.
Ông Phạm Hồng Khuyến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây, cho biết giá cau tăng liên tục mang lại cho người dân nguồn thu nhập lớn. Tuy nhiên, cau chủ yếu xuất sang Trung Quốc nên giá cả hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường này.
"Năm nay giá cau ở mức cao ngay từ đầu vụ và tăng liên tục. Tuy nhiên, khi thị trường Trung Quốc ngừng thu mua, giá sẽ giảm rất nhanh", ông Khuyến nói.
Theo ông Khuyến, ngoài trồng cau, chính quyền địa phương đã vận động người dân xen canh các loại cây trồng khác. Việc này sẽ giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, bền vững hơn.