Người nghỉ hưu chưa lần nào nhận trợ cấp thất nghiệp nên được hưởng hỗ trợ

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Các đơn vị tại TPHCM đề nghị xem xét lại các quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp trong dự thảo Luật Việc làm sửa đổi nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động tốt hơn.

Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sau 144 tháng

Ngày 24/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Việc làm sửa đổi.

Theo ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM, đây là lần cuối Đoàn ĐBQH Thành phố lấy ý kiến các ban ngành, đơn vị liên quan về dự luật. Sau đó, Đoàn sẽ tổng hợp, đóng góp ý kiến xung quanh dự luật tại kỳ họp Quốc hội tới đây (tháng 10, 11/2024).

Người nghỉ hưu chưa lần nào nhận trợ cấp thất nghiệp nên được hưởng hỗ trợ - 1

Ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM (Ảnh: Tùng Nguyên).

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Văn Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động TPHCM, kiến nghị xem xét lại quy định người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hơn 144 tháng, đã hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa 12 tháng sẽ không được bảo lưu thời gian còn lại sau 144 tháng.

Theo ông, lâu nay, người lao động tại nhiều đơn vị đã phản ánh quy định như vậy thiệt thòi cho người lao động, không khuyến khích họ gắn bó lâu dài với công việc. Do đó, ông đề nghị sửa quy định này khi xây dựng Luật Việc làm sắp tới.

Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM, cũng đồng tình với ý kiến trên. Bởi quy định hiện nay dẫn đến hiện tượng người lao động đã đóng BHTN 144 tháng là dừng lại, không mặn mà với công việc chính thức có tham gia BHTN.

Bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, cũng cho biết nhiều doanh nghiệp và người lao động đã góp ý về điều này. Dù Bộ LĐ-TB&XH đã giải thích nhiều lần nhưng người lao động vẫn chưa hài lòng.

Theo bà, cần xem xét lại quy định trên vì nếu không sẽ khó khuyến khích người lao động tham gia chính sách BHTN.

Ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân TPHCM, cũng đồng tình hướng phân tích. Theo ông, độ tuổi lao động bắt đầu từ 15, thời gian làm việc của người lao động rất dài, chỉ cho họ hưởng 12 tháng trợ cấp (cho 144 tháng đóng BHTN) rồi không cho bảo lưu phần còn lại là chưa hợp lý.

Cho người về hưu nhận trợ cấp thất nghiệp

Ngoài quy định bảo lưu thời gian đóng BHTN, bà Nguyễn Văn Hạnh Thục góp ý thêm về việc nghiên cứu quy định một khoản hỗ trợ nào đó cho những người lao động có tham gia BHTN nhưng cả đời chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp lần nào.

Người nghỉ hưu chưa lần nào nhận trợ cấp thất nghiệp nên được hưởng hỗ trợ - 2

Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục đề xuất hỗ trợ người đến tuổi nghỉ hưu vẫn chưa lần nào nhận trợ cấp thất nghiệp (Ảnh: Tùng Nguyên).

Ông Nguyễn Văn Lượng cũng có ý kiến bổ sung thêm quy định cho lao động đến tuổi nghỉ hưu mà chưa lãnh trợ cấp thất nghiệp lần nào được nhận trợ cấp thất nghiệp.

Bởi với quy định hiện nay, có nhiều người lao động rơi vào trường hợp này sẽ cố tình nghỉ việc sớm 1 năm trước khi đến tuổi nghỉ hưu. Họ nhận hết 12 tháng trợ cấp thất nghiệp xong rồi mới nhận lương hưu.

Ông Lượng nói: "Mình có chính sách thì người dân họ cũng lạng lách để né nên cần xem xét lại quy định này. Tôi đóng thì tôi hưởng, mắc gì không cho tôi hưởng?".

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM, góp ý thêm về quy định điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp trong dự án Luật Việc làm sửa đổi.

Bà nhắc đến trường hợp người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Bà Phượng Trân đề nghị cân nhắc, nghiên cứu lại quy định này để đảm bảo quyền lợi của người lao động khi tham gia BHTN.

Theo bà Phượng Trân, so sánh với quy định điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện hành tại Điều 49 Luật Việc làm 2013 thì quyền lợi của người lao động bị thu hẹp lại.

Bà Phượng Trân cho rằng: "Sửa luật thì phải đảm bảo quyền lợi của người lao động tốt hơn, nhưng ở đây là quyền lợi của người lao động bị thu hẹp lại. Hằng tháng, họ vẫn đóng BHTN mà khi bị sa thải, họ không được hưởng".

Theo bà Phượng Trân, quy định này dẫn đến tình huống có người đóng đầy đủ BHTN nhưng không được hưởng; hoặc doanh nghiệp cố tình gây khó dễ cho người lao động khi họ nghỉ việc, làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Người nghỉ hưu chưa lần nào nhận trợ cấp thất nghiệp nên được hưởng hỗ trợ - 3

Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến về quyền lợi, điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động (Ảnh: Tùng Nguyên).

Phát biểu kết luận, ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM ghi nhận, tiếp thu và sẽ tổng hợp các ý kiến của đại biểu để có đề xuất Quốc hội xem xét khi xây dựng dự thảo luật.