1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Người lao động phải qua vòng "xem việc" không lương mới được vào thử việc?

Xuân Trường

(Dân trí) - Nhiều lao động băn khoăn khi ứng tuyển mà nhận được thỏa thuận công việc từ doanh nghiệp với yêu cầu "xem việc" trước rồi mới chuyển sang làm thử việc.

Sau Tết, chị Nguyễn Thị Linh (28 tuổi, nhân viên truyền thông) rời quê Hà Tĩnh vào TPHCM tìm việc làm. Sau khi nộp hồ sơ xin việc tại một công ty, chị nhận được email yêu cầu phải làm việc 3 ngày không lương để thử tay nghề. 

Nội dung email cũng nhấn mạnh, nếu vượt qua vòng "xem việc" thì ứng viên mới được thử việc 6 tháng với mức lương 85% lương cơ bản.

Chị Linh thắc mắc: "Yêu cầu "xem việc" như vậy để kéo dài thời gian thử việc? Việc này có phù hợp với quy định của pháp luật? Trong trường hợp này, người lao động nên ứng xử như thế nào?".

lao-dong_Xuan-Truong

Lao động tìm việc làm mới (Ảnh: Xuân Trường).

Giải đáp nội dung này luật sư Trần Văn Nam (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, hình thức "xem việc" để kéo dài thời gian ký hợp đồng thử việc không được pháp luật quy định.

Cụ thể, Bộ luật Lao động hiện hành chỉ quy định hợp đồng thử việc giữa người lao động và người sử dụng lao động trên cơ sở sự thỏa thuận của hai bên, tại Điều 24.

Tại điều khoản này có những quy định cụ thể về thời gian thử việc ứng với nhiều loại công việc khác nhau, quy định về tiền lương thử việc và những vấn đề khác liên quan.

"Từ đây, có thể thấy việc doanh nghiệp đòi "xem việc", yêu cầu người lao động làm không lương trước khi ký hợp đồng thử việc là không phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động hiện hành, làm sai bản chất của quan hệ lao động.

Đây là kiểu yêu sách gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động", luật sư Nam nhận định.

Cũng theo luật sư Nam, đứng trước tình huống như trên, người lao động cần thật tỉnh táo, phải nhận thức rõ "xem việc" là chuyện không được pháp luật quy định.

"Khi chấp nhận hình thức "xem việc" thì quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng. Do đó, người lao động không nên chấp nhận yêu cầu này của doanh nghiệp, rõ ràng là bị coi rẻ sức lao động, tạo tiền đề xấu cho việc tuyển dụng về sau", vị luật sư nêu quan điểm.