1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Sau Tết, công nhân hối hả rải hồ sơ xin việc, mong lương "8 chữ số"

Xuân Trường Phạm Diện

(Dân trí) - Sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, chị Trần Thị Hồng (32 tuổi, quê Quảng Nam) hối hả tìm việc làm mới với kỳ thu nhập tăng cao không bị giãn việc, nghỉ việc hoặc giảm lương.

Cầm trên tay bộ hồ sơ xin việc, chị Hồng cho hay, từ mùng 5 Tết Nguyên đán Giáp Thìn chị đã rời quê vào Bình Dương để tìm việc.

"Mấy ngày nay, hễ thấy công ty may mặc nào tuyển lao động với mức lương cơ bản từ 7-10 triệu đồng/tháng là tôi đều đến nộp hồ sơ xin việc. Công việc ở công ty mới với mức lương cơ bản và tăng ca trên 10 triệu đồng thì tôi mới làm. Với thu nhập này mới đủ để tôi trang trải cuộc sống", chị Hồng chia sẻ.

Cong-nhan-tim-viec-lam_Xuan-Truong

Lao động rục rịch tìm việc làm mới với kỳ vọng mức lương trên 10 triệu đồng/tháng (Ảnh: Xuân Trường).

Chị Hồng từng làm việc tại một công ty may mặc ở khu công nghiệp VSIP I (TP Thuận An, Bình Dương) 7 năm. Năm 2023, công ty gặp khó khăn về đơn hàng, việc ít nên chị Hồng bị cắt giờ làm, không tăng ca dẫn đến thu nhập giảm sâu.

"Trước đây thu nhập của tôi luôn hơn 10 triệu đồng/tháng, năm 2023 giảm xuống còn 6 triệu đồng. Từ lúc bị cắt giờ làm, gia đình tôi chật vật xoay sở khắp nơi, thường xuyên vay tiền người thân mới đủ trang trải chi phí sinh hoạt", chị Hồng cho hay.

Trước khó khăn này, chị Hồng quyết định làm hết năm 2023 để nhận thưởng Tết rồi mới nghỉ. "Tôi làm việc ở công ty cũng hơn 7 năm rồi, nếu nghỉ việc trước Tết thì tôi không chỉ mất đi khoản thưởng Tết mà còn khó xin việc ở công ty mới", chị Hồng nói.

Tương tự chị Hồng, anh Nguyễn Văn Vinh (35 tuổi, quê Quảng Bình) cũng rời quê vào Bình Dương từ mùng 6 Tết để "rải" đơn xin việc ở những công ty gỗ,  với hy vọng có việc làm ổn định, lương cao.

"Hai ngày nay rong ruổi khắp các khu công nghiệp, có công ty nào tuyển dụng lao động tôi đều "rải" hồ sơ xin việc. Sau Tết, nhiều người thường nhảy việc, tôi tin mình sẽ sớm tìm được chỗ làm tốt", anh Vinh bộc bạch.

Cong-nhan-tim-viec_Xuan-Truong

Nhiều doanh nghiệp tại khu công nghiệp VSIP I tuyển dụng lao động, với mức lương dao động từ 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng/tháng (Ảnh: Xuân Trường).

Anh Vinh chia sẻ thêm, trước đây anh phụ việc cho một xưởng mộc ở quê với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên trong năm 2023 xưởng mộc không có đơn hàng nên anh bị giảm ngày làm, mỗi tháng tiền lương chỉ còn 3-4 triệu đồng.

Qua tìm hiểu thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội, sau Tết Nguyên đán anh Vinh quyết định xách ba lô vào Bình Dương thuê phòng trọ. 2 ngày nay, anh đến trực tiếp các công ty chuyên sản xuất, gia công đồ gỗ để nộp hồ sơ xin việc.

Không chỉ chị Hồng, anh Vinh mà rất nhiều công nhân, người lao động cũng kỳ vọng vào năm 2024 sẽ có công việc tốt, thu nhập tăng cao hoặc ít nhất được cải thiện và không phải giãn việc, nghỉ việc hoặc giảm lương.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, tại khu công nghiệp VSIP I, có hàng chục doanh nghiệp đang treo bảng tuyển dụng lao động, mỗi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng từ 100-300 lao động phổ thông. Các ngành nghề tuyển dụng chủ yếu như: dệt may-da giày, in ấn, sản xuất - sửa chữa - lắp đặt móc máy, thiết bị công nghiệp - điện - điện tử…

Mức lương cho lao động làm việc tại các vị trí này dao động từ 6-10 triệu đồng/tháng.

lao-dong-tro-lai-TP_Xuan-Truong

Lao động trở lại Bình Dương làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (Ảnh: Xuân Trường).

Ngày 16/2, thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, tính đến ngày 15/2, toàn tỉnh có khoảng 755 doanh nghiệp với khoảng hơn 215.000 lao động trở lại hoạt động và làm việc.

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, số doanh nghiệp và lao động trở lại hoạt động và làm việc còn chưa cao.

Nguyên nhân được xác định do một số doanh nghiệp có kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại vào ngày 17/2 (tức mùng 8 Tết), đặc biệt sẽ hoạt động trở lại ngày 18/2 (tức mùng 9 Tết).

Dự báo tình hình lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp vào ngày 19/2 sẽ tăng cao. Tại các doanh nghiệp hoạt động trở lại từ ngày 15/2, khi người lao động đi làm ngày đầu năm sẽ được doanh nghiệp lì xì với mức từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng.... Điều này nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong ngày đầu năm mới.

Về nhu cầu tuyển dụng những tháng đầu năm 2024 tại Bình Dương vẫn tập trung ở một số lĩnh vực như may mặc, giày da, gỗ... Dự báo trong 6 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp cần khoảng 25.000-30.000 lao động (trong đó chủ yếu là lao động phổ thông và lao động có tay nghề chiếm 80%).

Nguồn lực lao động chủ yếu bổ sung cho số lao động thiếu hụt sau Tết. Bên cạnh đó, tình trạng nhảy việc, chuyển đổi việc làm, mức lương mới sẽ làm cho thị trường tuyển dụng sôi động hơn ở cuối quý 1/2024.

Theo dự báo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, nhu cầu việc làm của người lao động sẽ tăng mạnh sau Tết Nguyên đán và kéo dài đến hết quý 2/2024. Có khoảng 35.000 lao động tham gia vào thị trường cung lao động (trong đó độ tuổi từ 18-45 chiếm đa số). 

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp về nguồn lao động cũng như kết nối cho người lao động trong việc tìm kiếm việc làm những ngày đầu năm 2024, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Việc làm tăng cường tiếp nhận thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp thông qua các kênh truyền thông và doanh nghiệp....

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, kết nối việc làm phù hợp theo nhu cầu tìm việc. Mở các phiên giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến.

Đặc biệt dự kiến mở phiên giao dịch việc làm đầu xuân vào ngày 19/2. Đây sẽ là cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp tuyển dụng và người lao động tìm việc làm.