1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Nam:

Người trồng cây cảnh ở Hội An "phập phồng" lo vụ Tết

Công Bính Ngô Linh

(Dân trí) - Thời tiết thất thường kèm nỗi lo lắng ảnh hưởng của dịch bệnh khiến người trồng hoa vụ Tết ở Hội An (Quảng Nam) thấp thỏm, lo lắng khi chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa đến Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Giảm diện tích trồng hoa do Covid-19

Sau những thiệt hại liên tiếp của bão lũ, người trồng hoa, cây cảnh ở Hội An lại chật vật bước vào vụ hoa Tết. Lo ngại ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ khiến vụ hoa Tết khó tiêu thụ, nhiều người trồng hoa tại TP Hội An đã giảm số lượng gieo trồng.

Người trồng cây cảnh ở Hội An phập phồng lo vụ Tết - 1

Cố gắng lắm ông Danh mới giữ được số cúc của gia đình để cung ứng Tết, nhưng thời tiết diễn biến thất thường kèm nỗi lo thị trường khiến ông phập phồng lo lắng

Nếu như vào tháng 11 dương lịch năm 2019, người dân phường Cẩm Châu (TP Hội An) đã tất bật bấm ngọn, tỉa cành, bón phân cho hoa, cây cảnh thì năm nay công việc có vẻ "nhàn rỗi" hơn do diện tích trồng hoa đã giảm đáng kể.

Mưa bão liên tiếp cũng đã khiến nhiều vườn hoa đã xuống giống của nông dân thiệt hại nặng, nhiều chủ vườn phải trồng lại đến 3-4 lần vì mưa lớn gây úng, thối cây.

Người trồng cây cảnh ở Hội An phập phồng lo vụ Tết - 2

Bình thường khi người dân cắt điện thì 20 ngày sau cúc mới đóng búp, nhưng năm nay chưa cắt điện cúc đã đóng búp, người dân phải túc trực loại bỏ búp để cây phát triển

Ông Đinh Văn Hữu (khối phố An Mỹ, phường Cẩm Châu) cho biết: "Chưa năm nào mưa bão tàn phá nghề trồng hoa khốc liệt như năm nay. Cả 500 chậu hoa cúc đại đóa, hoa hồng, thược dược của ông đã bị bật gốc, chết héo. Các loại hoa này có thời gian sinh trưởng dài ngày nên ông Hữu không thể khôi phục để cung ứng thị trường tết sắp đến".

Người trồng cây cảnh ở Hội An phập phồng lo vụ Tết - 3

Ông Nguyễn Đức Sau (phường Cẩm Châu, Hội An) cũng đã giảm gần một nửa diện tích gieo trồng

"Để bù lại thiệt hại lên đến hơn 100 triệu đồng, tôi mua giống hoa dễ trồng là dạ yến thảo, sao băng, dừa cạn, chuông về gieo trồng lại. Nhưng cận Tết thời tiết nắng mưa thất thường, thêm vào đó nỗi lo dịch bệnh ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ, cứ thấp thỏm không yên", ông Hữu lo lắng.

Người trồng cây cảnh ở Hội An phập phồng lo vụ Tết - 4

Bằng kinh nghiệm và sự chăm sóc cần mẫn, ông Sau mới giữ được số hoa này cho thị trường Tết

Những ngày này, ông Đinh Văn Danh phải canh suốt ngoài vườn để giữ số cúc còn lại của gia đình. Theo ông, như mọi năm khi người dân cắt đèn khoảng 20 ngày thì cúc mới bắt đầu trổ búp, nhưng khoảng 1 tháng nay đèn chưa cắt mà cúc đã trổ.

"Tôi phải lặt bỏ búp để cây phát triển, chứ để như vậy thì hoa nở sớm, cây lùn trông rất xấu. Năm nay khắc nghiệt quá, mưa bão liên miên rồi lo lắng dịch bệnh nữa. Phải cố gắng lắm mới giữ được số cúc này đấy, ăn ngủ cùng nó đã mấy tháng nay. Càng gần Tết càng lo lắng không yên, chỉ mong thời tiết thuận lợi và thị trường tiêu thụ tốt", ông Danh rầu rĩ.

Khó tìm thương lái

Thời điểm này mọi năm, người trồng quất cảnh ở Hội An cơ bản đã "chốt" xong các đơn đặt hàng và tập trung vào chăm sóc để giao hàng đúng chất lượng. Còn năm nay người trồng phải loay hoay tìm đầu ra mong vớt vát vốn đầu tư vụ này.

Người trồng hoa, cây cảnh Hội An phập phồng chờ Tết

Những ngày này, gần 300 chậu quất cảnh của gia đình ông Nguyễn Kim Phong (thôn Bầu Ôc, xã Cẩm Hà, TP Hội An) đã bắt đầu vàng quả. Tuy nhiên, ông Phong và những người trồng quất cảnh nơi đây đều thấp thỏm về đầu ra.

Người trồng cây cảnh ở Hội An phập phồng lo vụ Tết - 5

Những vườn quất cảnh tại TP Hội An đã bắt đầu hườm quả

"Mọi năm đến giờ này là thương lái họ tranh nhau đặt sỉ gần hết rồi, mình chỉ lo phần chăm sóc sao cho đạt chất lượng thôi. Nhưng năm nay vườn tôi vẫn chưa ai hỏi mua, có vườn may mắn thì được đặt khoảng 20% tổng số chậu. Đợt mưa bão vừa qua tôi hư hại khoảng 50% vườn, chưa năm nào chật vật như năm nay", ông Phong cho biết.

Người trồng cây cảnh ở Hội An phập phồng lo vụ Tết - 6

Chỉ còn hai tháng nữa đến Tết Nguyên đán nhưng thương lái thu mua chỉ lác đác, nông dân lo lắng dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ

Năm nay đầu tư 500 chậu quất, ông Ngô Quang Trường (ở khối phố An Phong, phường Tân An, TP Hội An) chia sẻ, các chậu quất của ông được bố trí ở nơi tương đối kín gió nên may mắn không bị chết do ảnh hưởng của mưa bão, nhưng cây suy yếu và bị nấm gây rụng trái. Phải mất chừng 10 ngày nữa ông mới có thể bón phân, các chất kháng sinh để tăng thêm dinh dưỡng và sức đề kháng cho quất. Bây giờ chỉ có thể phun thuốc để hạn chế hoạt động của các loại nấm gây bệnh.

Người trồng cây cảnh ở Hội An phập phồng lo vụ Tết - 7

Sau những đợt mưa bão liên tiếp, vườn quất của anh Kim Phong hư hại khoảng 50%. Cố gắng giữ số quất còn lại, nhưng nay anh lại lo lắng đến đầu ra

"Không những ảnh hưởng mưa bão gây hư hại, chúng tôi cũng đang đau đầu lo lắng đầu ra. Quất cảnh Hội An nổi tiếng gần xa, dịp gần tết thương lái tìm về thu mua đông đúc, nhưng đến thời điểm này người đặt cọc vẫn còn thưa thớt. Càng gần Tết, càng phập phồng lo lắng", ông Trường buồn bã chia sẻ.

Theo nhiều người trồng quất tại đây, hiện nay các đơn hàng đặt quất tại địa phương chủ yếu ở TP Đà Nẵng, còn các thị trường xa hơn hết sức èo uột khiến gần nghìn hộ trồng quất ở Hội An rất khó khăn. Bên cạnh đó, do dịch bệnh Covid-19 khiến ngành du lịch Hội An điêu đứng nên nhiều khách sạn, nhà hàng ở đây cũng chưa nghĩ đến việc trang trí quất.

Người trồng cây cảnh ở Hội An phập phồng lo vụ Tết - 8

Nhiều vườn bị ảnh hưởng nặng bởi mưa bão, nấm… gây hư hại và lo lắng đầu ra do ảnh hưởng dịch bệnh, chủ vườn bỏ không chăm sóc

Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch TP Hội An, những năm trước, mỗi năm bình quân Hội An xuất đi khoảng 100 nghìn chậu quất và thương lái đã lo đặt hàng từ sớm nhưng năm nay ước chừng chỉ còn 60-70%.

"Để giảm bớt gánh nặng cho người nông dân, thành phố đã tính toán không thu phí các gian hàng trưng bày của nhân dân tại hội hoa xuân 2021. Ngoài ra, chúng tôi đang xem xét gửi đề xuất cho một số địa phương là thị trường tiêu thụ quất truyền thống của Hội An lâu nay nghiên cứu giảm bớt chi phí thuê mặt bằng bán quất cho người dân", ông Nguyễn Thế Hùng nói.