Cận Tết, làng nghề hương trầm xứ Nghệ hối hả vào vụ
(Dân trí) - Tết chỉ còn cách vài ngay, các làng nghề sản xuất hương trầm ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An) càng tất bật. Các cơ sở phải thuê thêm hàng chục công nhân mới đáp ứng đủ mặt hàng cho thị trường phục vụ Tết.
Theo bà Lê Thị Hương, chủ cơ sở sản xuất Thân Hương (thuộc khối Tân Hương, thị trấn Tân Lạc), nghề này không vất vả nhưng đòi hỏi phải kiên trì, cầu kỳ. Đặc biệt, người làm nghề cần nắm và làm đúng kỹ thuật, thời gian chuẩn bị nguyên vật liệu.
"Thời gian đóng từ nguyên vật liệu thành sản phẩm hoàn chỉnh cũng rất quan trọng. Quá trình sản xuất phải làm từ từ, từng que hương và làm theo thứ tự từng bước một. Người làm nghề không thể bỏ qua bước nhưng cũng không thể làm vội vàng vì như thế sản phẩm sẽ không đẹp, không thơm, không đạt tiêu chuẩn", bà Hương cho biết thêm.
"Gia đình tôi làm nghề hương trầm cũng đã ngót nghét 40 năm rồi. Tôi rời quê hương Hưng Nguyên (Nghệ An) cùng bố mẹ lên đây khi mới 15 tuổi để xây dựng kinh tế mới, lúc đó nơi đây còn vất vả, hoang sơ lắm. Cũng may bố mẹ tôi có biết chút ít về nghề cuốn hương nên thử làm để tăng thêm thu nhập", chị Lê Thị Lài, chủ cơ sở sản xuất (trú ở khối 2, thị trấn Tân Lạc) cho biết.
Sau này thấy nguyên liệu dồi dào, mùi vị lại độc đáo nên gia đình chị tập trung phát triển nghề. Việc sản xuất hương trầm trở thành nghề gia truyền của gia đình chị cho đến nay.
Được biết, nghề làm hương trầm ở Quỳ Châu đã có từ 30 - 40 năm nay. Vụ sản xuất chính bắt đầu từ tháng 10 đến 12 (Âm lịch) hàng năm. Nhà nào không có cơ sở sản xuất thì đi quấn thuê cho các cơ sở khác. Lao động ở đây chủ yếu là phụ nữ địa phương.
"Mỗi năm cơ sở phải thuê từ 4 - 5 lao động, cùng với 4 lao động chính trong nhà tập trung làm được khoảng 40 vạn cây hương, trừ mọi chi phí cũng cho thu nhập khoảng 80 đến 100 triệu đồng", bà Lê Thị Hương cho biết thêm.
Dịp này, mỗi cơ sở sản xuất bình thường phải thuê từ 3 - 4 lao động, cơ sở lớn thì lên đến hàng chục người. Những nhân công tay nghề bình dân trung bình mỗi ngày cũng mang về thu nhập từ 150 - 250 ngàn đồng.
Chị Đoàn Thị Ngọc Lan (công nhân quấn hương tại cơ sở sản xuất Thân Hương) chia sẻ: "Mỗi ngày tôi có thể quấn được trên dưới 3.000 cây hương, tương đương 180.000 đồng/ngày công. Vì đi quấn thuê là người làm công ăn lương theo sản phẩm nên thời gian làm thì tự mình sắp xếp, khi nào rảnh thì tranh thủ đi quấn, có thể làm thêm buổi đêm".
Làm nghề quấn hương được gần 20 năm nay, chị Lê Thị Loan (trú ở khối Tân Hương 2, thị trấn Tân Lạc) tâm sự: "Nghề này đòi hỏi phải cần cù, chịu khó, có khi ngồi cả ngày một chỗ để quấn. Cũng tranh thủ khi nông nhàn kiếm thêm thu nhập để lo cho con cái ăn học và lo sắm sửa dịp Tết thôi".
Được biết chị Loan cũng thuộc tốp nhân công quấn nhanh bậc nhất trong làng nghề, ngày nào làm cật lực có thể quấn được đến 3.500 đến 4.000 cây hương, tương đương 200 - 250 nghìn đồng/ngày công.
Hương trầm Quỳ Châu với những búp hương dài ngắn tùy loại, tuy không cầu kỳ lòe loẹt nhưng có nét độc đáo riêng có của nó. Đây là sản phẩm được ưa chuộng trên khắp thị trường trong nước mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Hiện nay, toàn huyện Quỳ Châu có 1 Hợp tác xã và 6 làng nghề hương trầm thuộc 5 xã, thị trấn với gần 200 hộ sản xuất. Mỗi dịp cuối năm các làng nghề đã giải quyết được phần nào việc làm và tạo nguồn thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.