Thợ đánh bóng lư đồng thời Covid-19: Làm vì "quen việc" và từ cái tâm

Xuân Hinh Nam Thái

(Dân trí) - Dịch Covid-19 cũng khiến nhu cầu đánh bóng lư đồng ở TPHCM dịp cận Tết giảm mạnh. Tuy vậy, nhiều thợ làm nghề vì quen việc và "mê" cái sự sáng bóng, đẹp như mới của đồng, nên vẫn gắn bó với nghề.

Nghề đánh bóng lư đồng thời dịch Covid-19.
Thợ đánh bóng lư đồng thời Covid-19: Làm vì quen việc và từ cái tâm - 1
Nhu cầu đánh bóng lư đồng dịp cuối năm tăng cao tại TPHCM.

Nghề làm từ tâm

Theo truyền thống dân tộc Việt Nam, ngày Tết không chỉ mang ý nghĩa sum họp gia đình mà đây còn là dịp để tưởng nhớ những người thân đã khuất. Mỗi dịp Tết, các gia đình đều chuẩn bị một bàn thờ gia tiên với đầy đủ những món ăn truyền thống đầy ý nghĩa.

Thợ đánh bóng lư đồng thời Covid-19: Làm vì quen việc và từ cái tâm - 2

Chú Việt thường chạy xe ôm để mưu sinh, khi cận tết thì sẽ chuyển sang đánh bóng lư đồng.

Ngoài đồ ăn, trên bàn thờ không thể thiếu bộ lư đồng để phục vụ việc thờ cúng. Do vậy, lư đồng có ý nghĩa quan trọng dịp Tết và là phong tục truyền đời của người Việt. 

Thợ đánh bóng lư đồng thời Covid-19: Làm vì quen việc và từ cái tâm - 3
Trong quá trình đánh bóng bằng máy thì anh Việt sử dụng lơ đánh bóng để cho lư sáng bóng như mới.

Nếu so với các sản phẩm đồng khác, khi bị lỗi thì dễ dàng hàn, việc đánh bóng để sửa chữa thì việc sửa lư khó gấp nhiều lần. Người làm nghề đánh bóng lư cũng cần chú tâm vì sản phẩm này mang ý nghĩa tâm linh với nhiều gia đình. 

Thợ đánh bóng lư đồng thời Covid-19: Làm vì quen việc và từ cái tâm - 4
Công việc đánh bóng lư đồng cần sự tỉ mỉ và chu đáo.

Do đặc tính của đồng dễ bị phai và xỉn màu theo thời gian, người thợ làm nghề đánh bóng lư đồng đòi hỏi có kinh nghiệm để đảm bảo không bị phai màu, hư hỏng lư.

Thợ đánh bóng lư đồng thời Covid-19: Làm vì quen việc và từ cái tâm - 5
Ngày xưa khá nhiều người hành nghề đánh bóng lư đồng nhưng nay chỉ còn rất ít người theo nghề này.

Cứ vào khoảng 20 tháng Chạp, các gia đình chuẩn bị chùi rửa lư đồng để chuẩn bị đón Tết. Từ thời điểm trên cũng là lúc dịch vụ đánh bóng lư đồng hoạt động khá rầm rộ. Dịch vụ đánh bóng lư đồng thường xuất hiện trên các tuyến đường Lê Văn Duyệt, Võ Thị Sáu hoặc nhiều khu dân cư.

Trao đổi với PV, chú Nguyễn Bá Việt (44 tuổi) - thợ đánh bóng lư đồng nhiều năm trên đường Võ Thị Sáu (quận 3, TPHCM) - cho biết: "Năm nào cũng vậy, cứ tầm 24 tháng Chạp, nhiều gia đình có nhu cầu vệ sinh và đánh bóng lại lư đồng cho thật đẹp và sáng bóng để đặt lên bàn thờ của tổ tiên vào những ngày tết đến".

Thợ đánh bóng lư đồng thời Covid-19: Làm vì quen việc và từ cái tâm - 6
Vào thời điểm này năm trước, anh Việt không có thời gian để nghỉ nhưng năm nay do ít lư nên thời gian cũng rảnh hơn.

Dụng cụ hành nghề chủ yếu là mô tơ đánh bóng, vật liệu tẩy, làm sáng... khá đơn sơ. Người thợ cần vận dụng kỹ thuật để đánh bóng lư với giá cả hấp dẫn mới có thể thu hút khách.

Thợ đánh bóng lư đồng thời Covid-19: Làm vì quen việc và từ cái tâm - 7
Những người làm nghề đánh bóng lư đồng cần có cái tâm tốt và yêu nghề.

Để đánh được một bộ lư đồng vừa đẹp vừa bóng phải trải qua nhiều công đoạn. Trong đó, công đoạn làm bóng là khó nhất, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, tay nghề cao, tỉ mỉ vì chỉ cần một chút sơ suất có thể làm hư cả bộ lư. Thời gian hoàn thành một bộ lư đồng mất ít nhất một tiếng đồng hồ.

Cách không xa chỗ chú Việt, trên đường Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh, TPHCM) tiệm đánh bóng lư đồng của chú Trần Thành Tiến (61 tuổi) đã có thâm niên hơn 20 năm làm nghề.

Thợ đánh bóng lư đồng thời Covid-19: Làm vì quen việc và từ cái tâm - 8
Hơn 20 năm trong nghề chú Tiến luôn cẩn trọng khi đánh từng bộ lư vì theo chú lư có yếu tố tâm linh đối với người dân Việt rất lớn.

Chú Tiến cho biết: "Khi làm việc phải đặt cái tâm của mình vô, vì bộ lư như là báu vật gia truyền của gia đình người ta. Nếu như không làm bằng cái tâm, không tập trung công việc thì chỉ cần sơ suất nhỏ có thể làm hư bộ lư".

Thợ đánh bóng lư đồng thời Covid-19: Làm vì quen việc và từ cái tâm - 9
Chú Tiến cho biết, để làm sạch và đánh bóng một bộ lư hoàn chỉnh thì mất hơn 1 tiếng.

Một bộ lư đồng trước khi được giao cho khách thường trải qua 4 công đoạn. Đầu tiên là rửa sạch bụi nhang, phơi khô rồi mới cà máy để đánh bật vết xỉn màu. Tiếp đó mới chà mạnh bằng bột tẩy và phơi khô. Công đoạn nào cũng cần phải có kinh nghiệm và kỹ xảo riêng để lư đồng có độ bền sau khi được đánh bóng.

Thợ đánh bóng lư đồng thời Covid-19: Làm vì quen việc và từ cái tâm - 10
Chú Tiến cho biết, công đoạn đánh bóng bằng máy là quan trọng nhất trong nghề này vì người thợ phải có kinh nghiệm, tỉ mỉ, tập trung vì lực quay máy khá mạnh nếu không cẩn thận sẽ làm hư đồ của khách.

Giảm thu nhập vì dịch Covid-19

Năm nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và nhiều ngành nghề của Việt Nam. Việc đánh bóng lư đồng cũng không ngoại lệ, do tình hình kinh tế khó khăn nên lượt khách tìm đến những dịch vụ vệ sinh và đánh bóng lư đồng giảm đáng kể.

Theo chú Nguyễn Bá Việt: "Năm nay đa số khách hàng hạn chế những khoản chi tiêu nên chủ yếu các khách hàng cũ và "mối" quen mới có nhu cầu đánh bóng lư đồng, còn khách hàng mới cũng khá hạn chế".

Thợ đánh bóng lư đồng thời Covid-19: Làm vì quen việc và từ cái tâm - 11
Năm nay do dịch Covid-19 nên lượng khách làm bóng lư đồng cũng giảm nhiều.

Chú Việt cho biết thêm, những năm trước cứ đến thời điểm này là chú làm không có thời gian nghỉ ngơi, một ngày phải làm hơn 15 bộ tuy nhiên đến hiện tại mỗi ngày anh Việt chỉ làm 3-5 bộ/ngày, thời gian còn lại chỉ ngồi nhìn dòng xe đi qua lại.

Được biết giá vệ sinh một bộ lư đồng của chú Việt dao động từ 150.000 - 400.000 đồng/bộ tùy theo kích thước và độ phức tạp của bộ lư. Thông thường, từ 24 - 28 tháng Chạp, chú Việt có thể có thu nhập hơn 12 triệu đồng nhờ vào công việc này.

Thợ đánh bóng lư đồng thời Covid-19: Làm vì quen việc và từ cái tâm - 12

Chú Tiến cũng chủ động giảm giá cho khách hàng. 

Tiệm của chú Trần Thành Tiến thì khá hơn. Theo ghi nhận, khách vẫn tìm đến chỗ chú Tiến để nhờ vệ sinh và đánh bóng bộ lư của gia đình.

"Dịch Covid-19 gây khó khăn cho toàn thế giới nên lượng khách cũng giảm hơn so với mọi năm. Tuy chịu ảnh hưởng do dịch nhưng họ cũng ráng bấm bụng để đem bộ lư sang đây đánh bóng để trưng trên bàn thờ tổ tiên", chú Tiến chia sẻ.

Vì đã gắn bó với nghề này hơn 20 năm, nên chú Tiến có lượng khách ổn định. Nếu như vào thời điểm này của những năm trước, chú Tiến phải làm việc liên tục thì mới kịp đáp ứng nhu cầu của khách hàng (khoảng 30 bộ/ngày), thì hiện tại mỗi ngày chú Tiến chỉ làm được 10 - 15 bộ/ngày.

Thợ đánh bóng lư đồng thời Covid-19: Làm vì quen việc và từ cái tâm - 13
Những chiếc lư sau khi được đánh bóng nhìn như mới.

Mức giá vệ sinh và đánh bóng cũng dao động ở mức 150.000 đồng đối với bộ nhỏ và cao nhất là 500.000 đồng đối với những bộ lớn và nhiều chi tiết.

"Trong công việc, người thợ làm nghề phải bỏ toàn tâm vào việc vệ sinh và đánh bóng bộ lư cho khách để làm sao khi họ nhận lại "bảo vật" của gia đình thì sẽ vui vẻ và mỉm cười", chú Tiến chia sẻ.

Công việc này có thể giúp chú Tiến có thu nhập 20 - 30 triệu đồng/tuần dịp cuối năm. Đối với những người thợ như chú Việt và chú Tiến, ngày tết có được số tiền đón Xuân tuy có chút vất vả nhưng là đó chính là niềm vui của những người còn đang làm nghề đánh bóng lư đồng đến bây giờ.