1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Người hưởng lương hưu vẫn đi làm thêm có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Không ít người lao động dù đang hưởng lương hưu vẫn đi làm để kiếm thêm thu nhập băn khoăn, có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp hay không?

Theo Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm năm 2013, người lao động bắt buộc phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Hình thức hợp đồng có thể là không xác định thời hạn, xác định thời hạn, hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.

Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 43 Luật Việc làm 2013 cũng quy định 2 nhóm lao động không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp là người đang hưởng lương hưu và người giúp việc gia đình.

Người hưởng lương hưu vẫn đi làm thêm có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp? - 1

Thời điểm thị trường lao động khó khăn, bảo hiểm thất nghiệp là chế độ hỗ trợ hiệu quả với người lao động.

Từ khía cạnh khác, Khoản 3 Điều 168 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp như sau: "Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp".

Khoản 9 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng quy định: "Người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc".

Như vậy, người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu không cần phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

Riêng người lao động cao tuổi (đủ tuổi nghỉ hưu) mà chưa được hưởng lương hưu thì vẫn tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

Người hưởng lương hưu vẫn đi làm thêm có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp? - 2

Người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu không cần phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Theo Điều 57 Luật Việc làm 2013, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm 1% tiền lương tháng do người lao động đóng và người sử dụng lao động đóng thêm 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, trong thời gian từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/9/2022, Chính phủ quyết định giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động từ 1% xuống bằng 0%.

Đến nay, mức đóng ưu đãi trên đã kết thúc, trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp áp dụng bình thường trở lại theo Điều 57 Luật Việc làm 2013.

Theo ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, tìm việc làm mới, duy trì thu nhập...

Người tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được nhận trợ cấp thất nghiệp với mức hưởng hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Thời gian hưởng trợ cấp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp nhưng tối đa không quá 12 tháng. 

Ngoài ra, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động còn được hỗ trợ học nghề miễn phí; hỗ trợ tư vấn, tìm kiếm việc làm; hỗ trợ mua bảo hiểm y tế…

Lưu ý khi làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp

Bảo hiểm thất nghiệp được xác định là chế độ để bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Bảo hiểm thất nghiệp bao gồm các chế độ: Trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; Hỗ trợ Học nghề: Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Người hưởng lương hưu vẫn đi làm thêm có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp? - 3

Trong thời hạn 3 tháng kể từ khi mất việc, người lao động có thể gửi đơn đề nghị giải quyết thủ tục trợ cấp thất nghiệp.

Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động chưa có việc làm có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì nộp hồ sơ trực tiếp cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp.

Hồ sơ gồm đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và điền đầy đủ thông tin vào mẫu; nơi đăng ký khám chữa bệnh; số điện thoại; số tài khoản ngân hàng, tên ngân hàng, chi nhánh mở thẻ ngân hàng của người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp. 

Bản chính, hoặc bản sao có chứng thực, hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu quyết định thôi việc/quyết định sa thải.

Photo 1 sổ bảo hiểm xã hội được chốt đến tháng nghỉ việc có đầy đủ các tờ rời (nộp kèm theo bản chính để đối chiếu). Photo 1 chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân.