Người dân Nhật Bản chấp nhận mở cửa thị trường lao động tay nghề cao

Theo kết quả thăm dò của Kyodo công bố ngày 4/11, đa số người dân Nhật Bản ủng hộ dự luật mở cửa hơn nữa thị trường lao động trong nước cho các lao động nước ngoài, đặc biệt những công việc nặng nhọc.

Người dân Nhật Bản chấp nhận mở cửa thị trường lao động tay nghề cao - 1

Các điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam trước khi sang làm việc tại Nhật Bản được đào tạo trong nước theo các quy định tại Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Theo kết quả của một cuộc thăm dò ý kiến do hãng tin Kyodo công bố ngày 4/11, đa số người dân Nhật Bản ủng hộ dự luật mở cửa hơn nữa thị trường lao động trong nước cho các lao động nước ngoài, đặc biệt làm những công việc nặng nhọc trong các ngành đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt nhân lực như xây dựng, điều dưỡng viên.

Cuộc thăm dò ý kiến qua điện thoại được thực hiện vào cuối tuần cho thấy 51,3% số người được hỏi ủng hộ dự luật vốn được nội các của Thủ tướng Shinzo Abe thông qua và trình Quốc hội hôm 2/11 vừa qua.

Trong khi đó, số ý kiến phản đối là 39,5 %. Kết quả này cho thấy người dân Nhật Bản không chỉ trích dự luật như những nghị sỹ đối lập và một số thành viên đảng cầm quyền của ông Abe đã nghĩ.

Cuộc thăm dò được Kyodo thực hiện cũng chỉ ra 50,8% số người được hỏi phản đối việc tăng thuế tiêu dùng mà Thủ tướng Abe cam kết sẽ thực hiện theo kế hoạch vào tháng 10/2019, tăng từ 8% lên 10%, trong khi 46,4% người đồng tình.

Ngoài ra, theo kết quả cuộc thăm dò, tỷ lệ tín nhiệm dành cho nội các của Thủ tướng Abe là 47,3%, tăng 0,8% so với kết quả cuộc thăm dò hồi tháng trước. Tỷ lệ bất tín nhiệm là 39,5%.

Thiếu hụt nhân công là một trong những thách thức mà chính phủ của Thủ tướng Abe phải đối mặt do tình trạng dân số ngày càng già hóa. Một trong các giải pháp được đưa ra là tuyển dụng lao động nước ngoài.

Theo dự luật nhằm thu thu hút thêm nhiều lao động nước ngoài mới được chính phủ thông qua, sẽ có hai loại thị thực mới cho người nước ngoài làm việc trong những lĩnh vực thiếu lao động ở Nhật Bản.

Loại thứ nhất dành cho những lao động có tay nghề và trình độ tiếng Nhật nhất định, được phép lưu trú tại nước này đến 5 năm, song không được đưa gia đình đi cùng.

Loại thứ hai dành cho những lao động có tay nghề cao hơn, có thể đưa gia đình đi cùng và cuối cùng được cấp quyền cư trú.

Chính phủ Nhật Bản không nêu rõ các lĩnh vực thiếu lao động, song dự luật trên dự kiến sẽ áp dụng đối với hàng chục lĩnh vực từ nông nghiệp, xây dựng đến khách sạn và điều dưỡng.

Bộ trưởng Tư pháp Takashi Yamashita loại trừ khả năng hạn chế số lao động nước ngoài. Trong khi đó, truyền thông sở tại cho biết khả năng nước này sẽ tiếp nhận thêm 500.000 lao động nước ngoài trong thời gian tới, tăng 40% so với con số 1,28 triệu - chiếm 2% lực lượng lao động Nhật Bản hiện nay.

Nhiều khả năng, Quốc hội Nhật Bản sẽ “bật đèn xanh” cho dự luật trên trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp nước này đang đối mặt với sức ép lớn do số lượng lao động trở nên “khan hiếm nhất” trong hàng chục năm qua.

Trong khi đó, một số đảng đối lập có thể cản trở dự thảo luật do lo ngại lao động nhập cư sẽ làm gia tăng chi phí phúc lợi xã hội và tỷ lệ tội phạm tại Nhật Bản./.

Theo Vietnamplus.vn

https://www.vietnamplus.vn/nguoi-dan-nhat-ban-chap-nhan-mo-cua-thi-truong-lao-dong-tay-nghe-cao/533295.vnp