Người dân đổ xô đi hái loại nấm chỉ mọc 5 ngày sau mưa rồi lụi tàn

Nhật Anh

(Dân trí) - Sau những cơn mưa lớn, người dân ở Quảng Bình và Quảng Trị rủ nhau vào các cánh rừng tràm hái nấm để kiếm thêm thu nhập.

Từ sáng sớm, người dân ở vùng Cùa (xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) đã chuẩn bị đèn pin, những chiếc giỏ nhựa, đi vào các cánh rừng trên địa bàn để hái nấm tràm.

Theo một số người dân, nấm tràm mọc không cố định mà tùy thuộc vào thời tiết. Thời điểm nấm mọc nhiều nhất là sau những cơn mưa, thời gian chuyển mùa, bắt đầu từ tháng 9.

Người dân đổ xô đi hái loại nấm chỉ mọc 5 ngày sau mưa rồi lụi tàn - 1

Người dân Quảng Trị vào rừng hái nấm tràm (Ảnh: Nhật Anh).

Nấm tràm thường mọc trên lớp lá rụng trong rừng tràm, rất dễ thấy nhờ tai nấm màu tím nhạt, cao 3-6cm. Vòng đời phát triển của loài nấm này khá ngắn, chỉ 3-5 ngày đã lụi tàn. Sau khoảng 1 tháng vào mùa, nấm sẽ biến mất cho tới mùa mưa năm sau.

Vì thời gian nấm mọc và lụi tàn nhanh nên khi đến mùa, rất đông người dân tranh thủ vào rừng hái để bán, kiếm thêm thu nhập.

Anh Nguyễn Tuấn Vũ (28 tuổi), trú thôn Mai Trung, xã Cam Chính, cho hay, mỗi khi tới mùa nấm, bà con ở đây rủ nhau đi hái rất nhiều, họ thường đi theo từng  tốp 3-4 người, xuất phát lúc sáng sớm.  

"Hiện nay mới vào mùa nên nấm rất nhiều, mọi người thường đi hái nấm từ rất sớm vì đi muộn sợ nấm tàn, không ngon. Với 1kg nấm sau khi được làm sạch sẽ có giá 50.000 đồng, nấm được phơi khô giá còn cao hơn", anh Vũ nói.

Người dân đổ xô đi hái loại nấm chỉ mọc 5 ngày sau mưa rồi lụi tàn - 2

Nấm mọc trong các cánh rừng tràm vào mùa mưa, sau 3-5 ngày sẽ tàn lụi (Ảnh: Nhật Anh).

Không chỉ ở Quảng Trị, những ngày qua, nhiều người dân ở các huyện Lệ Thủy, Bố Trạch (Quảng Bình) cũng đổ xô vào rừng để hái nấm tràm.

Bà Lê Thị Hồng, trú huyện Lệ Thủy, cho biết, những ngày qua, người dân địa phương đi hái nấm tràm như đi hội. Nấm tràm sau khi được hái sẽ đưa về chợ hoặc những khu vực đông người qua lại để bán. Loại nấm này rất đắt hàng, cuối mùa còn có thể bán với giá hơn 100.000 đồng/kg. 

Theo bà Hồng, nấm tràm là "lộc trời", sản vật mà thiên nhiên ban tặng. Nấm có màu nâu tím, bên trong tai có màu trắng mịn cùng hình dáng đẹp. Đặc trưng của nấm tràm là không có vị ngọt như nhiều loại nấm khác mà rất đắng.

"Khi mùa nấm tràm nở rộ, người dân chúng tôi lại rủ nhau vào những cánh rừng tràm để hái đem bán. Trung bình mỗi người đi hái nấm một buổi cũng thu được 10-15kg, giá nấm tràm tại Quảng Bình hiện nay khoảng 60.000 đồng/kg", bà Hồng nói.

Người dân đổ xô đi hái loại nấm chỉ mọc 5 ngày sau mưa rồi lụi tàn - 3

Sau một buổi vào rừng, người dân có thể hái được 10-15kg nấm tràm (Ảnh: Nhật Anh).

Vị đắng của nấm tràm thực sự là thách thức với những ai mới ăn lần đầu. Tuy nhiên nếu khi đã ăn vài lần, quen vị thì nấm tràm trở thành một món ngon, hấp dẫn khó bỏ qua mỗi khi mùa nấm về.

Nấm sau khi hái về được gọt bỏ lớp vỏ dính đất dưới chân, rửa sạch nhiều lần với nước muối, để ráo nước rồi chế biến thành món ăn. Đối với ai không hợp vị đắng của nấm có thể gọt sạch vỏ rồi luộc sơ qua trước khi chế biến.

Nấm tràm có thể dùng chế biến thành nhiều món ăn như: xào với rau muống, nấu canh rau lang, nấu cháo bột lọc, cắt nhỏ đổ chả trứng hoặc ăn kèm với lẩu.