1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Người công chính mới làm được việc thanh tra

“Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm; kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật; định kỳ luân chuyển, thay đổi vị trí công tác đối với những vị trí nhạy cảm, phức tạp theo đúng quy định...

Đồng thời, lựa chọn, bố trí người có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ để đảm nhiệm các vị trí nhạy cảm, nhất là đối với các trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra viên…”.

Trên đây là một phần nội dung Công điện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.

Dư luận phản ứng dữ dội trước vụ việc Tổ công tác của Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang nhiều thành viên trong đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng có hành vi nhận tiền hối lộ tại huyện Vĩnh Tường.

Cán bộ thanh tra nhận hối lộ có lẽ không phải là chuyện mới, số tiền ít nhiều cũng quá bình thường vì quá nhiều vụ tham nhũng tiền tấn.

Nhưng ở đây, điều mà dân chúng quan tâm ở chỗ, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng bị “tóm” tại trận vì có hành vi nhận hối lộ, là Phó Trưởng phòng Phòng chống tham nhũng.

Mang danh phòng chống tham nhũng đi tham nhũng, thật là trêu ngươi. Trưởng đoàn và những thành viên trong đoàn cùng một giuộc, vậy thì còn đâu uy tín, danh dự của thanh tra?

Ở đây không thể không nói đến trách nhiệm của người đứng đầu, đã bổ nhiệm cán bộ có tư cách đạo đức như vậy. Công tác cán bộ có quá nhiều lỗ hổng, và đây là một minh chứng.

Vấn đề đặt ra là “đi đêm có ngày gặp ma”, nói thẳng băng, có phải đây là vụ đầu tiên thanh tra nhận hối lộ và bị phát hiện, hay là đã từng có những vụ tương tự, và Vĩnh Tường đã châm ngòi cho một cuộc tháo mặt nạ thanh tra.

Không cần có câu trả lời cụ thể cho vấn đề đặt ra trên là có hay không, bởi vì trên thực tế, người dân, doanh nghiệp biết quá rõ. Chỉ có điều, ai lại dại dột tự đi tố cáo mình đã từng hối lộ cho thanh tra.

Vì bệnh nặng, vì không phải là hiện tượng riêng lẻ, mà thanh tra kiểu “Vĩnh Tường” đã phổ biến, nên cần phải có liều thuốc mạnh để trị liệu.

Thuốc đó là xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Điển hình như bà Nguyễn Thị Kim Anh và các cán bộ đoàn thanh tra, phải loại trừ ra khỏi ngành. Nhưng như thế chưa đủ, cần xử lý trách nhiệm cán bộ lãnh đạo bổ nhiệm những cán bộ này.

Và đó cũng chỉ là xử cái ngọn. Cái gốc chính là tìm người công chính để giao việc thanh tra, đây là việc quá khó vì người công chính quá hiếm.

Theo Lê Thanh Phong/Báo Lao động