Lừa xin việc, cán bộ Ban Dân tộc tỉnh chiếm đoạt hàng tỷ đồng

Nắm bắt được nhu cầu cần việc làm, cộng với danh nghĩa là cán bộ Ban Dân tộc tỉnh, có quen biết với nhiều lãnh đạo của các Sở, ngành, có thể xin được việc ở các cơ quan nhà nước, bị cáo Hà đã chiếm đoạt hơn 7,6 tỷ đồng của hơn 100 người.

Ngày 27/5, TAND tỉnh Quảng Ngãi mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Đinh Thị Ngọc Hà (SN 1965; trú tại phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.

Lừa xin việc, cán bộ Ban Dân tộc tỉnh chiếm đoạt hàng tỷ đồng - 1

Bị cáo Đinh Thị Ngọc Hà

Theo cáo trạng, bị cáo Đinh Thị Ngọc Hà là cán bộ công chức công tác tại Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, nắm được nhu cầu xin việc vào các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp lớn ở Quảng Ngãi; cũng như nhu cầu chuyển đổi công tác của nhiều người trên địa bàn. Từ năm 2011 đến 2016, bị cáo Đinh Thị Ngọc Hà đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối, thực hiện nhiều vụ chiếm đoạt tài sản của nhiều người để tiêu xài cá nhân.

Để lấy lòng tin, bị cáo Hà tự giới thiệu có quen biết với nhiều lãnh đạo của các Sở, Ban ngành trong và ngoài tỉnh nên có khả năng xin được việc làm, giúp “chạy” được công chức, viên chức, biên chế, chuyển đổi đơn vị công tác từ miền núi về các huyện đồng bằng, thành phố cho người khác vào các ngành Y tế, Giáo dục, Cục thuế, Hải quan, Công an, Ngân hàng, Nhà máy lọc hóa dầu,…

Sau khi được các bị hại tin tưởng, bị cáo Hà yêu cầu những người này đưa tiền để Hà gặp gỡ lo thuốc nước, lo lót cho lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị nơi xin vào. Khi trao đổi với bị hại, bị cáo Đinh Thị Ngọc Hà làm động tác bấm điện thoại như đang gọi cho một người nào đó trao đổi khoảng vài phút rồi nói với những người bị hại rằng cơ quan này, đơn vị kia đang thiếu biên chế, cần tuyển thêm người.

Có trường hợp, bị cáo Hà còn đưa cả công văn về việc rà soát nhân sự của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp bị cáo Hà tự soạn nội dung đơn xin việc, xin vào vào các doanh nghiệp lớn trên địa bàn của tỉnh rồi gửi cho bị hại để làm theo mẫu mà Hà đã cung cấp rồi đưa lại cho Hà để đi nộp hồ sơ xin việc. Ngoài ra, Hà còn yêu cầu người bị hại bỏ tiền vào bì thư để Hà đi biếu cho các lãnh đạo với mục đích để những người này tin tưởng rồi chiếm đoạt.

Để những người bị hại không nghi ngờ, khi bị cáo Hà nhận hồ sơ, bằng cấp, tiền của bị hại, Hà viết giấy nhận tiền với nội dung: Lo nước non xin việc làm, giấy mượn tiền,…

Với cách thức, thủ đoạn như trên, bị cáo Đinh Thị Ngọc Hà đã thực hiện tổng cộng 70 vụ lừa đảo của hơn 100 người, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 7,6 tỷ đồng.

Để làm sáng tỏ hành vi phạm tội của bị cáo Đinh Thị Ngọc Hà, cũng như vụ án có số lượng người bị hại đông nên phiên tòa xét xử sẽ diễn ra trong 5 ngày từ ngày 27 đến ngày 31/5/2019.

Theo Minh Quân/Báo Công lý