"Nghiện" làm việc tại nhà vì Covid-19
Đầu tháng 6 vừa qua, công ty Apple của Mỹ ra thông báo yêu cầu nhân viên quay trở lại làm việc tại văn phòng với tần suất 3 ngày/tuần, kể từ tháng 9 năm 2021.
Động thái này được Apple, cũng như một số doanh nghiệp ở các nước đã khống chế được tình hình dịch bệnh, đưa ra sau khi tỉ lệ người được tiêm vaccine ngừa Covid-19 tăng cao và các hoạt động phục vụ kinh doanh, sản xuất, du lịch, giải trí... từng bước được vận hành trở lại.
Tuy nhiên, sau hơn một năm bắt buộc phải làm việc tại nhà để phòng tránh sự lây lan của dịch Covid-19, không ít người lao động ở Mỹ cũng như ở nhiều quốc gia trên thế giới đã thích nghi và dần dần "nghiện" hình thức làm việc tại nhà - WFH (Work From Home) - hơn là quay trở lại công sở.
Kết quả khảo sát của Harris Poll với 2.063 người trưởng thành hồi giữa tháng 5 cho thấy, có tới 40% người Mỹ thích làm việc tại nhà toàn thời gian, so với 35% muốn tìm một công việc kết hợp cả tại công sở và tại nhà; chỉ có 25% muốn quay lại công sở toàn thời gian.
Những "gã khổng lồ" ở Thung lũng Silicon và Seattle, như: Facebook, Microsoft, Apple, Twitter... là những doanh nghiệp đi đầu trong áp dụng hình thức làm việc tại nhà cho nhân viên khi Covid-19 bùng phát. Và giờ đây, khi tình hình dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát, thì một số nhân viên của họ không muốn quay trở lại văn phòng. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự thịnh hành của xu hướng WFH?
Shanette Joyner, 49 tuổi, ở Alexandria, Virginia, một công chức đã làm việc tại nhà kể từ khi dịch bùng phát và đến giờ cô vẫn muốn tiếp tục làm việc tại nhà: "Mặc dù tôi cảm thấy bị cô lập và chán nản trong 14 tháng qua, nhưng tôi không mong chờ việc quay lại công sở".
Dù đã được tiêm phòng đầy đủ, Joyner vẫn lo lắng khi đi làm sẽ phải di chuyển trong toa xe điện ngầm chật cứng, đồng nghiệp cũng có thể là nguồn lây lan virus, rồi lo ngại cả chất lượng hệ thống lò sưởi và điều hòa tại văn phòng. Với cô, làm việc tại nhà cũng đem lại hiệu quả không khác gì so với khi đến công sở.
Trước tháng 3 năm 2020, đôi vợ chồng trẻ Kari và Britt Altizer ở Richmond, Virginia, đã có quãng thời gian làm việc cật lực. Kari bán bảo hiểm nhân thọ, Britt là quản lý nhà hàng. Họ dường như không có thời gian rảnh cho các thú vui ngoài công việc. Rồi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến mọi thứ đình trệ. Kari 31 tuổi, đã phải nghỉ việc để chăm đứa con mới sinh.
Sau một thời gian, cô tìm được công việc bán hàng bán thời gian. Còn Britt cũng buộc phải nghỉ việc và bắt đầu làm vườn. Công việc mới, thật không ngờ, đem lại cho anh cơ hội được làm việc ngoài trời và sống với môi trường thiên nhiên mà anh vốn yêu thích.
Covid-19 đã tước đi nghề nghiệp trước đây của họ, song cũng mở ra cơ hội mới cho đôi vợ chồng trẻ: Họ vừa mở một công ty kinh doanh cây cảnh ngoại thất và hài lòng với lựa chọn của mình. Giờ thì họ hoàn toàn có thể kiểm soát công việc và dành nhiều thời gian hơn cho việc chăm sóc gia đình, con cái.
Rõ ràng, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cách thức làm việc của con người. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng công nghệ số, các phần mềm như Zoom, Skype hỗ trợ đắc lực cho làm việc online, thì không thể phủ nhận WFH đem lại nhiều thuận lợi: Tránh lây lan dịch bệnh, làm việc tự do và linh hoạt hơn, tiết kiệm chi phí (phí nhiên liệu, tiền ăn, tiền gửi xe) và thời gian di chuyển của người lao động; giảm chi phí điện, nước, phí thuê văn phòng cho doanh nghiệp; góp phần giải quyết vấn nạn tắc đường và ô nhiễm môi trường khi lượng khí thải từ nhiên liệu giảm rõ rệt.
Ngược lại, WFH cũng tạo ra những bất lợi: Dễ bị chi phối bởi việc gia đình, con cái, dẫn đến thiếu tập trung vào công việc, một số gặp vấn đề về tâm lý khi bị "cách ly" dài ngày với xã hội; thiếu đi môi trường văn hóa doanh nghiệp, môi trường cạnh tranh; không chịu áp lực trực tiếp như tại công sở nên có thể dẫn đến sa sút kỷ luật và năng suất lao động; nguy cơ bị vuột mất cơ hội thăng tiến trong công việc.
Việc thiếu sự tiếp xúc trao đổi, giao tiếp giữa nhân viên cũng có thể làm giảm ý tưởng sáng tạo, thiếu đi sự gắn kết với công ty và đồng nghiệp...
Với nhiều người trẻ, công sở còn là nơi gặp gỡ, giao lưu với đồng nghiệp, tạo nên các mối quan hệ bạn bè, đem lại cho họ niềm vui, xóa đi sự cô đơn trong cuộc sống, là động lực sáng tạo.
Đó cũng là lý do tại sao các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Google, IBM... từ lâu đã chú trọng đầu tư xây dựng văn hóa doanh nghiệp và biến công sở thành những công trình kiến trúc đầy màu sắc, trị giá hàng triệu USD, vừa mang tính sáng tạo vừa mang tính giải trí, tạo nên môi trường làm việc đầy năng động, tạo không gian giao lưu tương tác giữa con người và khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhân viên.
Thế giới công nghệ số với Zoom, Skype... dù đã phát huy hiệu quả ở mức độ nào đó, song chắc hẳn khó có thể hoàn toàn thay thế cho những cuộc gặp mặt trực tiếp, sự giao lưu tương tác giữa con người với con người.
Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đang tìm cách dung hòa giữa mong muốn của người lao động với nhu cầu của doanh nghiệp bằng cách kết hợp cả hai hình thức làm việc tại nhà với làm việc tại công sở. Người lao động có thể tiếp tục làm việc tại nhà và chỉ đến công sở khi cần thiết, vào những khoảng thời gian đã định trước.