Mô hình làm việc ở nhà sẽ tiếp tục tồn tại sau đại dịch Covid-19

Ban đầu, có một số người không thích làm việc tại nhà, nhưng giờ lại đang hy vọng sẽ được làm việc từ xa lâu dài vì những lợi ích về tài chính và cả năng suất làm việc.

Mô hình làm việc ở nhà sẽ tiếp tục tồn tại sau đại dịch Covid-19 - 1

(Nguồn: PA).

Sau một năm làm việc tại nhà mà không tốn tiền đi lại, chi tiêu cho mua sắm quần áo công sở hay ăn uống ở ngoài, nhiều người Canada đã tiết kiệm được hàng nghìn đôla Canada.

Ban đầu, có một số người không thích làm việc tại nhà, nhưng giờ lại đang hy vọng sẽ được làm việc từ xa lâu dài vì những lợi ích về tài chính và cả năng suất làm việc.

Theo một nghiên cứu mới công bố của Robert Half (một trong những công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm - tư vấn tuyển dụng lớn nhất của Canada), 33% người lao động sẽ tìm kiếm một công việc mới nếu họ được yêu cầu quay lại văn phòng toàn thời gian.

Đáng chú ý, 51% người lao động thích mô hình "kết hợp" - làm việc một phần tại nhà và một phần tại văn phòng, khi cần thiết.

Mike Shekhtman, Chủ tịch phụ trách khu vực miền Tây Canada của Robert Half, cho rằng sẽ là một thách thức để có thể cân bằng nhu cầu của tất cả nhân viên, khi có nhiều ý kiến khác nhau về việc liệu họ có muốn quay lại văn phòng toàn thời gian hay không.

Ông Shekhtman cho rằng nếu muốn nhân viên quay lại văn phòng làm việc toàn thời gian, các nhà quản lý nên cân nhắc hỗ trợ nhân viên bằng cách trợ cấp chi phí đi lại, hỗ trợ nhu cầu chăm sóc trẻ nhỏ hoặc áp dụng giờ làm việc linh hoạt để nhân viên có thể đưa đón con cái đi học.

Theo Jason Heath, Giám đốc điều hành của Objective Financial Partners (công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính), lợi ích của làm việc tại nhà thường nghiêng về nhân viên văn phòng.

Tác động về mặt tài chính là rất lớn, đặc biệt là đối với những người đã quyết định rời khỏi các trung tâm đô thị như Toronto để giảm bớt khoản thế chấp mua nhà.

Nếu không phải đến văn phòng thường xuyên, người lao động tiết kiệm được một khoản không nhỏ cho chi phí đi lại. Cơ quan thuế vụ Canada ước tính chi phí trung bình lên đến 59 xu/km để lái một chiếc ôtô cho mục đích công việc, bao gồm chi phí xe, xăng, bảo hiểm và bảo dưỡng.

Đối với những người phải lái xe từ 5.000-10.000 km mỗi năm để đi làm, khoản tiết kiệm lên đến 3.000-6.000 CAD.

Theo ông Heath, có rất nhiều người thuộc thế hệ Millennial (những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000) và thế hệ X (những người sinh ra ở giai đoạn 1965-1980) có thể thực sự cải thiện chất lượng cuộc sống (về tài chính) và tăng cường khả năng độc lập tài chính của họ bằng cách tận dụng lợi thế của làm việc tại nhà./.