1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

"Nghiện" làm việc, nữ quản lý bối rối khi tính chuyện sinh con

Hoài Nam

(Dân trí) - Thường xuyên làm việc 15-18 tiếng/ngày, chị Lê Thanh Nhàn thừa nhận là người "nghiện" việc đến mức không biết lấy thời gian nào để... sinh con.

Làm từ sáng đến đêm, ăn dồn một bữa

Năm 38 tuổi, chị Lê Thanh Nhàn, Phó Giám đốc đào tạo một công ty hoạt động trong lĩnh vực ở TPHCM xem công việc như không khí, hơi thở. 

Từ lúc ra trường đi làm, khi còn là một nhân viên, chị luôn là người đi sớm về muộn nhất công ty. Chuyển sang quản lý, khối lượng công việc chị cần xử lý ngày càng tăng. 

Nhìn lịch làm việc của chị Nhàn, nhiều người sẽ phải chóng mặt. Chị thường xuyên có mặt tại công ty lúc 6h đến 12h mới trở về nhà rồi... tiếp tục bật máy làm việc đến 1-2h ngày hôm sau, mọi sinh hoạt cá nhân khác đều thu gọn tốt thiểu.

Nghiện làm việc, nữ quản lý bối rối khi tính chuyện sinh con - 1

Chị Nhàn chỉ có một nhu cầu duy nhất là nhu cầu... làm việc (Ảnh minh họa)

Từ vấn cho học viên, phụ huynh, xây dựng chương trình học, đào tạo giảng viên, họp hành, xử lý các sự cố, giải quyết đơn thư, họp hành cho đến giám sát vấn đề vệ sinh, tuyển dụng... tất cả đều đến tay chị.

Tính cầu toàn, cẩn thận nên việc gì chị cũng ôm vào người, không yên tâm giao cho người khác. Nhiều năm qua, chị đi làm bằng taxi để tranh thủ thời gian vừa di chuyển, vừa xử lý công việc. 

Nhiều cuộc gặp gỡ, đi du lịch... chị từ chối tham gia hoặc để hẹn rồi để mọi người "leo cây". Ngồi với bạn bè hay đi du lịch với công ty, gia đình, chị vẫn ôm máy tính. Nếu có rời được thì đầu óc vẫn chỉ nghĩ việc thế nào, đề án ra sao, phải làm những gì, không thể để tâm đến người khác.

Khi ảnh hưởng của dịch bệnh, chuyển qua làm việc tại nhà, ai quen chị đều mong chị bớt việc, thả lỏng bản thân. Nhưng nhầm, không mất thời gian di chuyển, những cuộc gặp gỡ công sở... chị càng "cày" ác liệt. 

Ở nhà, chị thường xuyên việc từ 5h đến đêm. Thậm chí có hôm chỉ uống nước, đến cuối ngày ăn dồn một bữa. Các buổi dạy, họp online liên tục hết ca này đến suất khác. Đóng phòng họp lại kiểm tra tài liệu, bài vở, soạn giáo án, kiểm tra dự án, giám sát nhân viên. 

Khó sắp xếp thời gian

Giờ ăn cũng là giờ làm việc, ngày chỉ ngủ  4-5h, không có khái niệm ngày cuối tuần, luôn luôn phải kiểm tra điện thoại... là chuyện quanh năm với chị Nhàn.

Dành hết thời gian cho công việc đến nỗi rất nhiều người đinh ninh chị là gái chưa chồng. Thật ra, chị lấy chồng cách đây hơn 3 năm, quen nhau khi cùng học cao học.

Vậy nhưng, chỉ cần nghỉ ngơi, giải trí vài giờ đồng hồ, chứ chưa nói là vài ngày chị đã thấy bứt rứt, khó chịu và rồi càng lao vào việc như thể "bù đắp". 

Tuy nhiên, chị tiết lộ cả 2 chỉ đăng ký kết hôn chứ lúc đó công việc lu bu, đầu óc không rảnh rỗi để có thể thu xếp được thời gian để tổ chức đám cưới. 

Hơn một tháng nay, chồng chị cũng chuyển làm việc tại nhà. Nhà chỉ có 2 người, hơi cực đoan, chị còn khóa cửa trong phòng, treo biển: "Không làm phiền" để được tập trung làm việc. 

Có nhiều lý do chị Nhàn chọn không sinh con. Chị hiểu nuôi dạy một đứa trẻ cần nhiều điều kiện như tiền bạc, kiến thức, sự háo hức và đặc biệt là cần phải ưu tiên thời gian. Còn chị thời gian đâu để... đẻ và cũng không sẵn sàng gác việc để nuôi dạy con. 

Chị Lê Thanh Nhàn thừa nhận là người bị "nghiện" việc. Kể cả những lúc hiếm hoi về quê thăm bố mẹ chị cũng không rời nổi máy. Cũng có lúc chị giật mình hỏi sao mình phải tự đày đọa bản thân như vậy, làm việc đến độ không có thời gian để tiêu tiền. 

Nguy cơ đột quỵ vì "nghiện" việc

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, chứng nghiện việc là kẻ giết người thầm lặng, nguy hại đến chính, tâm lý, chất lượng cuộc sống của người lao động.

Ở Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước trên thế giới nhiều năm qua đang phải đối phó với bài toán người lao động "nghiện" việc với nhiều con số báo động về những trường hợp tử vong do làm việc quá sức. 

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được công bố trên tạp chí Môi trường Quốc tế vào tháng 5/2021 những người làm việc hơn 55 giờ mỗi tuần sẽ đối mặt với nguy cơ đột quỵ cao hơn 35% và nguy cơ tử vong do bệnh tim cao hơn 17% so với những người tuân theo tiêu chuẩn làm việc 35-40 giờ mỗi tuần.

Thống kê của WHO về vấn đề này cho thấy vào năm 2016, 488 triệu người đã phải đối mặt với những rủi ro sức khỏe khi làm việc quá giờ. Đây cũng là năm ghi nhận hơn 745.000 người chết vì làm việc quá sức dẫn tới đột quỵ và bệnh tim.