1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nghiên cứu, bổ sung nhiều quy định về bảo hiểm thất nghiệp

P.M

(Dân trí) - Vẫn còn ít người thất nghiệp có nhu cầu học nghề trong đó có nguyên nhân mức hỗ trợ học nghề thấp, người thất nghiệp chỉ được hỗ trợ học nghề tại địa phương nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp...

Nghiên cứu, bổ sung nhiều quy định về bảo hiểm thất nghiệp - 1

Ông Tào Bằng Huy, Cục Phó Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), phát biểu tại Hội thảo "Lấy ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015". Chương trình do Cục Việc làm tổ chức sáng 6/11 tại Quảng Ninh.

Đánh giá tại Hội thảo, ông Tào Bằng Huy cho biết, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2009, sau hơn 11 năm thực hiện, đến nay, cả nước có trên 13,4 triệu người tham gia BHTN, chiếm 27,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

"Nhìn chung, các quy định của Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp" - ông Tào Bằng Huy cho biết. 

Cũng theo ông Tào Bằng Huy, chính sách BHTN đã thực hiện tốt vai trò là điểm tựa cho người thất nghiệp với trên 6 triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó 97% người hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí. Số người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng năm sau cao hơn năm trước, đã có trên 230 nghìn người được hỗ trợ học nghề.

 Tuy nhiên, năm 2020, dịch Covid-19 và tình hình sản xuất khó khăn nên lượng thất nghiệp tương đối nhiều. Thống kê của Cục Việc làm, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2020, mức tăng bình quân hàng tháng khoảng 25-30% và đặc biệt có những tháng tăng trên 30%, ví dụ tháng 5 và 6.

"Từ giờ đến cuối năm, mặc dù tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam đã được kiểm soát nhưng vẫn có khả năng tăng số lượng người thất nghiệp. Chúng tôi dự báo hết năm 2020, chỉ số này cũng tăng khoảng 25-30% so với năm 2019", ông Huy nói.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết năm 2019, kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 84.000 tỷ đồng, dự báo đến năm 2025, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp vẫn đảm bảo an toàn.

Bên những ưu điểm, nhiều đại biểu tại Hội thảo cũng cho biết nhiều vướng mắc trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, cụ thể là quy định tại Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, như: Điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề là khá chặt chẽ, các trường hợp bất khả kháng rất hiếm xảy ra. Do đó, người sử dụng lao động khó tiếp cận với chế độ.

huy.jpg

Ông Tào Bằng Huy - Cục Phó Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) phát biểu tại Hội thảo

"Ít người thất nghiệp có nhu cầu học nghề trong đó có nguyên nhân mức hỗ trợ học nghề thấp, người thất nghiệp chỉ được hỗ trợ học nghề tại địa phương nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chưa có quy định cụ thể giấy tờ về việc chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp doanh nghiệp không có người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo pháp luật được ủy quyền..."- ông Tào Bằng Huy cho biết.

Được biết, để giải quyết những vướng mắc này, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP.

Trong đó có việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp, quy trình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng, chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp, các mẫu biểu và bãi bỏ một số quy định của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, ông Tào Bằng Huy cũng cho biết: "Một số điểm hạn chế, phát sinh khác thuộc phạm vi, thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH như: Quy định về việc trả kết quả hồ sơ cho người lao động không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH chưa phù hợp, làm phát sinh thời gian và chi phí của người lao động, bãi bỏ quy định về các trường hợp được miễn thông báo về việc tìm kiếm việc làm và bổ sung một số trường hợp không phải trực tiếp thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm…".

Theo ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Cục Việc làm), thời gian qua, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã thực hiện tốt vai trò là "điểm tựa" cho người thất nghiệp với trên 6 triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó 97% người hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí. Số người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng cao hơn. Cả nước đã có trên 230.000 người được hỗ trợ học nghề.