Tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN vẫn còn tiếp diễn
(Dân trí) - Do tác động của đại dịch Covid-2019, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh dẫn đến việc chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động…
Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) vừa có báo cáo về tình hình nợ BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) quý 3/2020.
Thời gian qua, BHXH huyện Hậu Lộc đã chủ động phối hợp với các phòng, ban, ngành của huyện này thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để xử lý nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN. Tính đến hết quý 3/2020, tổng số tiền thu BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn huyện là gần 235 tỷ đồng (đạt 74,55% kế hoạch giao).
Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn vẫn còn tiếp diễn, có chiều hướng gia tăng, gây khó khăn cho cơ quan BHXH trong thực hiện kế hoạch thu và giải quyết các quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.
Tính đến hết quý 3/2020, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn huyện Hậu Lộc là hơn 9,2 tỷ đồng, bao gồm: 42 đơn vị nợ chậm đóng (nợ dưới 1 tháng), với số tiền là 91,9 triệu đồng; 21 đơn vị nợ đọng (nợ từ 1 tháng đến dưới 3 tháng), với số tiền hơn 3,9 tỷ đồng; 17 đơn vị nợ kéo dài (nợ từ 3 tháng trở lên), với số tiền gần 2 tỷ đồng; 4 đơn vị nợ khó thu (nợ của các đơn vị giải thể, phá sản, mất tích,...), với số tiền hơn 3,2 tỷ đồng.
Theo BHXH huyện Hậu Lộc, tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn vẫn còn tiếp diễn, gây khó khăn cho cơ quan BHXH huyện trong việc giải quyết nghiệp vụ chuyên môn, quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân của tình trạng trên theo BHXH huyện Hậu Lộc là do tác động của đại dịch Covid-2019, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, dẫn đến việc chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.
Đồng thời, ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của người sử dụng lao động chưa nghiêm; một số doanh nghiệp đã trích trừ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động nhưng không nộp mà sử dụng vào mục đích khác.
Bên cạnh đó, tuy đã ký kết nhiều quy chế phối hợp giữa cơ quan BHXH với các đơn vị có liên quan, để tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn, nhưng hiệu quả chưa cao, công tác phổ biến tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, BHYT vẫn còn hạn chế.
Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN chưa được chú trọng, tuy đã có văn bản chỉ đạo nhưng thiếu kiểm tra, đôn đốc nên hiệu quả thấp, một số cấp uỷ chính quyền các xã, thị trấn, thủ trưởng các đơn vị chưa thực sự quan tâm chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN của địa phương, đơn vị được giao phụ trách quản lý.
BHXH huyện Hậu Lộc đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng nợ đọng. Trong đó có niêm yết công khai danh tính các đơn vị trên các phương tiện truyền thông; tăng cường công tác Thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các sai phạm, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, khấu trừ tài khoản qua ngân hàng và đề nghị khởi tố hình sự đối với những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT…
BHXH huyện Hậu Lộc cũng đề nghị Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những doanh nghiệp cố tình trốn tránh nghĩa vụ thu nộp BHXH, BHYT, BHTN.
Đồng thời, xem xét trách nhiệm và xử lý hành chính đối với những người đứng đầu đơn vị để nợ BHXH, BHYT, BHTN, đặc biệt đối với đơn vị hành chính sự nghiệp…
Liên quan đến việc nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHXH huyện Hậu Lộc đã đề nghị xử lý hình sự đối với Công ty TNHH may Đa Lộc, ở xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc theo quy định của pháp luật.