Nghịch lý lãnh đạo sau quyết định thay vị trí giám đốc bởi người lười biếng
Một nhà lãnh đạo tài giỏi nếu không có sự phối hợp của cấp dưới thì không thể hoàn thành tốt mọi công việc.
Muốn gây dựng sự nghiệp, hay sáng lập ra một doanh nghiệp, chỉ dựa vào sức mạnh của một con người là không thể một nhà lãnh đạo tài giỏi nếu không có sự phối hợp của cấp dưới thì không thể hoàn thành tốt mọi công việc.
Trương Thành nhờ có thành tích xuất sắc nên đã được đề bạt vào vị trí giám đốc bộ phận kinh doanh. Vì mới đảm nhiệm chức vụ mới, Trương Thành nóng lòng muốn lập thành tích để được cất nhắc lên vị trí cao hơn. Ngày đầu tiên nhậm chức, anh ta liền triệu tập toàn bộ nhân viên bộ phận kinh doanh tham dự hội nghị tuyên thệ.
Trong hội nghị, Trương Thành khảng khái phát biểu, hy vọng mọi người có thể cùng anh ta nỗ lực để hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra. Được sự ủng hộ của mọi người, quyết tâm của Trương Thành càng cao hơn, anh ta không chỉ đặt ra yêu cầu nghiêm khắc hơn đối với nhân viên, càng không dám buông lỏng bản thân.
Nhưng kỳ lạ ở chỗ doanh thu của bộ phận kinh doanh không những tăng mà ngược lại còn giảm sút. Điều này khiến Trương Thành không thể lý giải được, anh ta chỉ còn cách nỗ lực làm việc, sau vài tháng công việc không có gì khởi sắc mà còn cảm thấy mệt mỏi hơn. Sau đó lãnh đạo quyết định để bạn Lý Dương thay thế Trương Thành làm giám đốc bộ phận kinh doanh.
Mặc dù Trương Thành không phục nhưng cũng chẳng còn cách nào đành phải chấp nhận. Trương Thành lặng lẽ quan sát, anh phát hiện rằng Lý Dương mỗi ngày đều đi muộn về sớm, cũng không thể hiện gì gọi là cần cù, chăm chỉ, nhưng đến cuối tháng tổng kết, doanh thu của bộ phận kinh doanh lại tăng vọt.
Trương Thành không nén nổi tò mò đã hỏi thẳng Lý Dương. Lý Dương chỉ nói, cần phải học cách dùng người, chứ không phải chỉ dùng bản thân mình. Với tư cách nhà lãnh đạo, năng lực cần thiết nhất chính là biết cách dùng người, đặt mỗi nhân viên ở vị trí công việc thích hợp, để họ phát huy hiệu quả công việc tốt nhất.
Vấn đề của Trương Thành ở chỗ việc gì cũng can thiệp, việc gì cũng tự tay mình làm, có những việc nhân viên đã làm rồi, anh vẫn lôi ra làm lại. Có vẻ như anh ta làm việc rất cần mẫn, tận tâm tận lực nhưng kỳ thực với vai trò nhà lãnh đạo, anh ta đã không đạt tiêu chuẩn. Lãnh đạo là người dẫn đầu, không phải là lao động gương mẫu.
Lý Dương dường như mỗi ngày đều rất thong thả, nhưng thực ra mỗi công việc đều được anh sắp xếp rất gọn gàng ngăn nắp, khiến mỗi nhân viên đều được rèn luyện vừa hoàn thành công việc một cách hiệu quả mà không cảm thấy mệt mỏi. Lãnh đạo không nhất thiết phải xông pha chiến đấu ở tuyến đầu mặt trận nhưng nhất định phải bảo đảm mỗi binh sĩ ở tuyến đầu không những hoàn thành nhiệm vụ mà còn bình an vô sự trở về. Điều này đặt ra yêu cầu rất cao đối với năng lực lãnh đạo của mỗi con người.
Năng lực lãnh đạo - chính là sử dụng nguồn nhân lực và các điều kiện khách quan với chi phí nhỏ nhất để hoàn thành công việc trong phạm vi quản lý của mình.
Jack Ma có quan điểm về năng lực lãnh đạo như thế này: "Một người biết đối nhân xử thế chưa chắc đã là một người có năng lực lãnh đạo, nhưng người có năng lực lãnh đạo thì chắc chắn là người biết đối nhân xử thế. Phàm là người không biết đối nhân xử thế, rồi cũng sẽ gặp trở ngại.
Ví dụ như một người tùy tiện, cực đoan, không tôn trọng công ước xã hội hoặc không có tinh thần trách nhiệm đối với xã hội. Bạn có thể thấy trong số các doanh nghiệp Trung Quốc, biết bao doanh nghiệp đã chịu cảnh phá sản. Bạn nói họ có năng lực lãnh đạo hay không? Họ có khả năng gây dựng doanh nghiệp, nhưng chính họ cũng đã đưa doanh nghiệp đến bờ vực phá sản.
Điều này thể hiện rõ năng lực lãnh đạo của họ chỉ là năng lực lãnh đạo giả tạo, chỉ là ngẫu nhiên bắt gặp và may mắn nắm bắt được cơ hội để hoàn thành công việc. Vì vậy có thể nói, năng lực lãnh đạo có thể giải thích là năng lực dẫn dắt một doanh nghiệp hoặc tổ chức phát triển bền vững".
Muốn trở thành một nhà lãnh đạo có năng lực lãnh đạo kiệt xuất thì không phải nhắm mắt làm liều, xa rời thực tế và miệt mài làm việc của mình mà cần có tầm nhìn bao quát. Một nhà lãnh đạo doanh nghiệp trước khi trở thành lãnh đạo có thể làm kỹ thuật, cũng có thể làm kinh doanh, nhưng sau khi bước chân vào vị trí lãnh đạo, những kỹ năng vốn có của anh ta cần phải giảm đi và cần trở thành một thứ năng lực phụ trợ anh ta lãnh đạo tập thể.
Một nhà lãnh đạo tốt không phải đặt mình vào địa vị của nhân viên khi đàm phán với khách hàng, thay họ đàm phán hay khi nhân viên làm văn bản, anh ta liền cầm lấy tự tay mình làm. Lãnh đạo không phải là "miếng dán vạn năng" mà là một nhà chỉ huy; lãnh đạo không phải là lao động xuất sắc trong doanh nghiệp mà là có thể dẫn đầu đội ngũ con người lao động xuất sắc tạo ra hiệu quả và lợi ích cho doanh nghiệp.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp