Quý 1/2019: Thu nhập bình quân của nhóm lãnh đạo đạt 11,2 triệu/tháng

(Dân trí) - Trong quý 1/2019, thu nhập bình quân tháng từ công việc làm công hưởng lương của nhóm “nhà lãnh đạo trong các ngành, các cấp và các đơn vị” đạt 11,2 triệu đồng/tháng, tiếp đến là nhóm chuyên môn kỹ thuật bậc cao là 9,4 triệu đồng/tháng…

tien luong.jpg

Đây là kết quả khảo sát về lĩnh vực lao động việc làm vừa được Tổng cục Thống kê công bố tại Hà Nội. Theo đó, đối tượng thống kê là người làm công hưởng lương và hợp đồng lao động.

Thu nhập tăng

Phân tích cho thấy, mức lương trung bình của nhóm “nhà lãnh đạo trong các ngành, các cấp và các đơn vị” tăng gần 2 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước; nhóm “nhà chuyên môn kỹ thuật bậc cao” là 9,4 triệu đồng/tháng, tăng gần 1,4 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước; nhóm “lao động giản đơn” là 4,8 triệu đồng/tháng, tăng 844 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Về góc độ giới, thu nhập bình quân của lao động nam cao gấp 1,4 lần so với thu nhập bình quân của lao động nữ (tương ứng là 6,6 triệu đồng và 4,7 triệu đồng), thu nhập bình quân của lao động thành thị cao hơn lao động nông thôn 3 triệu đồng (tương ứng là 7,7 triệu đồng và 4,7 triệu đồng). 

Theo Tổng cục thống kê, lao động có việc làm đã qua đào tạo từ trình độ “Sơ cấp nghề” trở lên trong quý I năm 2019 ước tính là 12,1 triệu người, chiếm 22,2% số lao động có việc làm của toàn quốc, tăng 0,1 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương trong quý 1/2019 ước tính là 6,9 triệu đồng/tháng, tăng gần 967.000 đồng so với quý trước và tăng 1,05 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, thu nhập của nam là 7,3 triệu đồng/tháng, nữ là 6,5 triệu đồng/tháng, lao động thành thị là 8,2 triệu đồng/tháng, lao động nông thôn là 6,0 triệu đồng/tháng.

Thu nhập bình quân tháng từ công việc làm công hưởng lương của những người có trình độ trên đại học trở lên là gần 13,5 triệu đồng/tháng; những người chưa từng đi học là 4,3 triệu/tháng.           

Thất nghiệp giảm

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong quý 1/2019 ước gần 1,1 triệu người và giảm 3.500 người so với quý trước và giảm 8.200 người so với cùng kỳ năm trước.

Về độ tuổi, số thanh niên (người từ 15 đến 24 tuổi) thất nghiệp trong quý 1/2019 ước khoảng 448,5 nghìn người, chiếm 40,4% tổng số người thất nghiệp.

Theo quy chuẩn quốc tế, những người chưa có việc làm và đang tìm kiếm việc làm trong thời gian tham chiếu được coi là người thất nghiệp.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong quý I năm 2019 ước là 6,27%, tăng 0,65 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,49%.

Với nhóm thanh niên từ 15 đến 24 tuổi, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn so với tỷ lệ thất nghiệp chung. Lý do lực lượng lao động thanh niên khi tham gia vào thị trường lao động thường có xu hướng chủ động tìm kiếm các việc làm phù hợp với năng lực và điều kiện riêng của mình hơn so với nhóm dân số khác.

Điều này khiến tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên cao hơn mức trung bình. Đây là tình hình chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Thống kê trong toàn quý 1/2019 cho thấy, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước tính là 55,4 triệu người, giảm 207,0 nghìn người so với quý trước và tăng 331,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Lực lượng lao động giảm so với quý trước do quý 1/2019 là thời gian có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và diễn ra các lễ hội. Điều này khiến người dân kéo dài thời gian nghỉ làm việc, nhu cầu làm việc và tìm kiếm việc làm trong dân cư giảm.

 Hoàng Mạnh