1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nghỉ mát càng nhiều, năng suất làm việc càng tăng

Người châu Âu vốn nổi tiếng thích nghỉ dài ngày vào mùa hè, nhưng năng suất lao động của họ lại không hề bị ảnh hưởng.

Nghỉ mát càng nhiều, năng suất làm việc càng tăng - 1

Ở Na Uy, thuật ngữ "fellesferie" ra đời để chỉ khoảng thời gian từ hai đến ba tuần mà người lao động dành riêng cho việc nghỉ ngơi trong tháng 7. Các doanh nghiệp sẽ tạm thời đóng cửa hoặc chỉ hoạt động trong một vài giờ cố định.

Tại Hà Lan, nhân viên trong ngành xây dựng cũng được nghỉ phép vài tuần mỗi năm. Và cách đây khoảng 2 năm, một đạo luật đã ra đời ở Pháp, yêu cầu các thợ làm bánh Paris phải luân phiên nghỉ hè để đảm bảo tiệm bánh luôn mở cửa phục vụ khách hàng trong suốt kỳ nghỉ.

Những gì diễn ra tại châu Âu đang là niềm mơ ước của nhiều người Mỹ. Các nghiên cứu gần đây cho thấy người lao động Mỹ không dám tận hưởng các kỳ nghỉ dài hạn vì lo sợ áp lực công việc. Mỹ cũng là quốc gia duy nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) không bắt buộc các công ty phải trả lương cho nhân viên khi họ đi nghỉ mát.

Ngược lại, tại châu Âu, liên minh châu Âu EU quy định người lao động của các nước thành viên phải có ít nhất 20 ngày nghỉ phép hưởng lương trong một năm. Các quốc gia như Anh, Pháp, Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Luxembourg và Thụy Điển còn nâng con số này lên 25 ngày/năm.

Dù nghỉ phép nhiều hơn nhưng năng suất lao động của các quốc gia châu Âu lại không bị ảnh hưởng nhiều. Dữ liệu của OECD cho thấy 9 trong 10 quốc gia có năng suất lao động cao nhất tổ chức này là các quốc gia châu Âu. Hoa Kỳ, trong khi đó, chỉ “khiêm tốn” xếp ở vị trí thứ 6.

Theo bà Katie Denis, người đứng đầu dự án Time Off do Hiệp hội Du lịch Mỹ tài trợ, ý tưởng hy sinh thời gian nghỉ phép để đầu tư cho công việc không thực sự mang lại kết quả tốt. Một báo cáo của dự án này công bố năm 2016 cho thấy những người dành 11 ngày nghỉ mỗi năm hoặc nhiều hơn để đi du lịch có khả năng được tăng lương trước 3 năm so với những người nghỉ từ 10 ngày trở xuống.

Tuy nhiên có tới 43% trong tổng số hơn 7.000 người Mỹ tham gia khảo sát không muốn nghỉ lâu vì sợ phải đối diện với một “núi” công việc cần giải quyết. 32% cho biết họ không đủ khả năng tài chính để chi trả cho một chuyến đi dài ngày.

Trên thực tế, việc dành nhiều thời gian để nghỉ mát không chỉ tăng năng suất lao động mà còn thúc đẩy sức sáng tạo, giảm stress, giảm nguy cơ đau tim và cải thiện tình trạng tâm lý.

“Các kỳ nghỉ không chỉ giúp đầu óc giải tỏa mà còn giảm tác động của stress lên cơ thể con người”, giáo sư Kathleen Potempa tại trường Đại học điều dưỡng Michigan cho biết.

Để việc nghỉ mát thực sự tạo hiệu ứng tích cực, các chuyên gia khuyên người lao động không nên tổ chức nhiều kỳ nghỉ ngắn trong một năm. Thay vào đó, hãy tập trung các ngày phép lại và sắp xếp khoảng 2 kỳ nghỉ dài mỗi năm để nâng cao sức khỏe và tinh thần.

Ngoài ra trong suốt kỳ nghỉ, người lao động nên tách biệt hoàn toàn với công việc. Theo một cuộc khảo sát công bố hồi tháng 6 do Trung tâm nghiên cứu công cộng NORC (Mỹ) thực hiện, có đến một phần ba người Mỹ vẫn làm việc khi đi nghỉ mát và điều này làm giảm đáng kể hiệu quả của kỳ nghỉ.

Theo Doanh nhân Sài gòn