1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

An toàn lao động:

Nghỉ 30 phút/ngày khi "đèn đỏ”: Ấu trĩ nếu ngại nói ra!

Trao đổi tính khả thi của quy định nghỉ 30 phút/ngày và tối thiểu 3 ngày/tháng với cơ quan chức năng của Bộ LĐ-TB&XH và các chuyên gia, PV Dân trí đều nhận được ý kiến cho rằng tính nhân văn rất cao. Đồng thời, người lao động, chủ sử dụng lao động cần ý thức để hiểu đúng.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Ấu trĩ khi ngại nói ra

Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH), quy định cho phép lao động nữ nghỉ ngơi trong những ngày hành kinh không chỉ mới được quy định trong Nghị định 85/2015/NĐ-CP.

“Quy định này đã được nêu trong Bộ Luật Lao động do Quốc hội thông qua nhiều năm, không phải là việc Chính phủ tự động đặt ra được. Với tính chất nhân văn và bảo vệ quyền lợi của lao động nữ, quy định được đại diện Hội phụ nữ rất ủng hộ” - ông Hà Tất Thắng nói.

Quy định hướng tới số đông, còn các trường hợp cá biệt, ông Hà Tất Thắng cho rằng quy định luật sẽ khó có thể bao quát hết được.

Liệu có những phản hồi của doanh nghiệp về việc áp dụng? (đề xuất mức phạt đi chậm quá 30 phút/ngày hoặc lạm dụng nghỉ quá nhiều ngày trong thời kỳ kinh nguyệt), ông Hà Tất Thắng cho biết chưa thấy doanh nghiệp ở các khu công nghiệp lớn thắc mắc cả về điều này.

Ông Hà Tất Thắng lưu ý thêm, trong quản trị doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động sẽ có những thỏa thuận cụ thể với nhau. “Doanh nghiệp sẽ có các biện pháp và nhiều bộ phận quản lý chuyên sâu, ví dụ công đoàn, tổ phụ nữ…thực hiện giúp việc giám sát này”.

Trao đổi thêm với PV Dân trí, một chuyên gia của Cục An toàn lao động, người trực tiếp tham gia góp ý cho Nghị định 85/2015/NĐ-CP giải thích thêm.

“Về tổ chức thực hiện, quy định 30 phút được hiểu là để người lao động nghỉ ngơi. Theo nghiên cứu khoa học, trong ngày bị hành kinh, lao động nữ thường yếu hơn. Vì đặc thù này, lao động nữ rất cần những quy định bảo vệ”.

Giải thích thêm về ý nghĩa của quy định, chuyên gia nhấn mạnh: Khi xây dựng Nghị định, do trước đó không có quy định số ngày nghỉ, nên chúng tôi muốn chi tiết rõ hơn giúp doanh nghiệp có sự ước lượng cụ thể.

Nghỉ 30 phút/ngày khi "đèn đỏ”: Ấu trĩ nếu ngại nói ra! - 2

“Quy định chỉ có tính khung, không quá đi vào chi tiết để cả 2 bên có sự thỏa thuận thêm phù hợp với điều kiện cụ thể. Việc này có thể linh hoạt, chỉ khó ở những doanh nghiệp có động lao động nữ”.

Chuyên gia này cũng đả phá quan điểm “ngại ngùng” khi phải báo cáo việc nghỉ ngơi trong ngày “đèn đỏ” với sếp nam giới. “Đây là quan điểm không đúng và ấu trĩ. Đặc biệt là phản tác dụng về ưu việt của chế độ đối với lao động nữ”.

Về nguy cơ bị lạm dụng “tối thiểu 3 ngày” để lãn công, chuyên gia này cho rằng đây chỉ là cách tiếp cận trong suy nghĩ, còn việc lãn công có thể có nhiều cách khác.

Câu chuyện quản trị nhân sự

Trao đổi thêm vấn đề này, chuyên gia lĩnh vực bình đẳng giới Phạm Nguyên Cường - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, Nghị định 85/2015/NĐ-CP chỉ cụ thể hóa những nội dung đã có từ lâu trong Luật Lao động.

“Quy định phụ nữ được nghỉ 30 phút/ngày trong thời kỳ kinh nguyệt đã có trong Điều 115 của Luật Lao động năm 1994, Điều 155 trong Luật Lao động năm 2012. Nghị định 85/2015/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ 15/11 chỉ cụ thể hóa và bổ sung thêm nội dung” “tối thiểu 3 ngày”.

Việc quản trị nhân sự của doanh nghiệp, thực hiện chế độ cho phụ nữ là điều bình thường, đảm bảo quyền tối thiểu của lao động nữ.

Bà Phạm Nguyên Cường cho biết thêm, trong công tác quản trị, doanh nghiệp có nhiều cách để tổ chức thực hiện quy định một cách hợp lý. “Nếu tại doanh nghiệp may mặc có sử dụng nhiều lao động nữ, thông thường doanh nghiệp sẽ giao cho lao động làm vị trí trưởng chuyền, tổ trưởng sản xuất điều tiết việc nghỉ ngơi, thay ra - vào của chị em, trong đó có cả việc này.

Nghỉ 30 phút/ngày khi "đèn đỏ”: Ấu trĩ nếu ngại nói ra! - 3

Điều này cũng giống như việc cho con bú thôi. Mỗi ngày người lao động được nghỉ 1 tiếng để cho con bú. Trong doanh nghiệp dệt may, bộ phận chuyền có nhiều vị trí và có thể bố trí cho nhau được. Bởi bây giờ người lao động nữ nghỉ vì ốm đau, nghỉ phép thì sao?

Thậm chí, nam giới nếu làm việc ở dây chuyền đó có vợ đẻ thường cũng được nghỉ 5 ngày thì doanh nghiệp cũng phải bố trí người thay được”.

Đả phá về sự ngại ngùng nếu lao động nữ phải báo cáo chuyện tế nhị của mình với sếp là nam giới. Bà Phạm Nguyên Cường cho rằng: “Đó là quan niệm sai lầm về nhận thức. Không có gì vi phạm và ngại ngùng cả. Trong quá trình hoạt động cơ thể bình thường của nữ giới, kinh nguyệt là một chu trình trong quá hoạt động cơ thể.

Theo ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may VN, quy định này để bảo vệ người lao động. “Nếu áp dụng cứng nhắc quy định 30 phút như trên, doanh nghiệp có thể sẽ kêu. Tuy nhiên quy định cho phép sự đàm phán linh hoạt giữa người lao động và doanh nghiệp. Đặc thù sử dụng nhiều lao động nữ, các doanh nghiệp phải chấp nhận đặc thù này”.

Bên cạnh tính nhân văn, liệu quy định có bị lợi dụng để dẫn tới lãn công?.Ông Trương Văn Cẩm cho rằng khả năng sẽ rất khó. “Doanh nghiệp có nhiều biện pháp để quản trị và hạn chế việc lợi dụng. Đơn cử nhất là việc tác động vào túi tiền người lao động thông qua quy định thưởng chuyên cần. Rõ ràng, nếu người lao động cứ nghỉ nhiều thì sẽ không có thưởng”.

Hoàng Mạnh

TIN LIÊN QUAN:

“Xử lý nghiêm các vi phạm an toàn lao động, vật liệu cháy nổ”

Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng tại “Hội nghị tổng kết công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) và tiền chất thuốc nổ giai đoạn 2009-2015” ngày 29/9 tại Hà Nội. Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng yêu cầu các địa phương rà soát các quy định kỹ thuật, tạo điều kiện cho công tác quản lý VLNCN được cụ thể, chặt chẽ phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần đánh giá lại các quy định quản lý VLNCN trên địa bàn, loại bỏ các quy định chồng chéo, trùng lặp; tăng cường cải thiện điều kiện làm việc…

Nghỉ 30 phút/ngày khi "đèn đỏ”: Ấu trĩ nếu ngại nói ra! - 4

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, từ năm 2012 đến nay, các chỉ tiêu dự báo theo kế hoạch lớn hơn nhiều so với thực tế tiêu thụ vì nhu cầu VLNCN dùng trong ngành khai thác than giảm. Nhiều đơn vị nhỏ lẻ vẫn còn vi phạm về kỹ thuật an toàn trong sử dụng, bảo quản và khai thác VLNCN; hộ chiếu nổ mìn nhiều đơn vị lập ra còn mang tính hình thức; nhiều kho chứa VLNCN có trữ lượng nhỏ chưa đáp ứng yêu cầu qui định…

H.H

Hà Tĩnh: Doanh nghiệp còn chưa chú trọng tới công tác ATVSLĐ

Hà Tĩnh là một trong những tỉnh có nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia đã và đang được triển khai tích cực. Theo đó số doanh nghiệp và lực lượng công nhân lao động tăng nhanh, toàn tỉnh có hơn 5.000 doanh nghiệp với  hơn 87.000 công nhân lao động. Bên cạnh những thành tích đã đạt được, công tác BHLĐ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Các doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, việc đầu tư máy móc, thiết bị và áp dụng công nghệ cao vào trong SXKD của các DN còn ít. Theo LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh, nhiều doanh nghiệp vẫn coi mục tiêu hàng đầu là lợi nhuận, chưa đảm bảo chế độ chính sách cho người lao động. Một số doanh nghiệp vi phạm các quy trình, quy phạm kỹ thuật trong sản xuất. Công nhân lao động trong các doanh nghiệp chủ yếu xuất thân từ nông thôn, ý thức chấp hành nội quy lao động, quy trình đảm bảo ATVSLĐ còn thấp, làm việc còn tùy tiện, chủ quan, cắt xén quy trình, mạo hiểm trong sản xuất nên dễ gây tai nạn lao động cho chính mình và cho đồng nghiệp.

H.M

Bắc Ninh: Nhu cầu tăng cường kiến thức ATVSLĐ rất lớn

Theo Liên đoàn lao động tỉnh Bắc Ninh, toàn tỉnh hiện có 10/15 khu công nghiệp tập trung đi vào hoạt động, 27 cụm công nghiệp làng nghề và đa nghề với trên 6000 doanh nghiệp sản xuất đăng ký kinh doanh và có khoảng 250.000 lao động. Phần lớn các doanh nghiệp chỉ chú trọng vào việc sản xuất kinh doanh để có lợi nhuận cao. Công tác an toàn vệ sinh lao động dù đã được lưu ý nhưng chưa được chú trọng nhiều.

Nghỉ 30 phút/ngày khi "đèn đỏ”: Ấu trĩ nếu ngại nói ra! - 5

Công tác khai báo việc sử dụng các máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn theo quy định của pháp luật. Đa số các doanh nghiệp còn chưa phổ biến, tuyên truyền, huấn luyện cho người lao động biết về các máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, hàng năm có từ 25- 30% người lao động được huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động. Một số doanh nghiệp chưa thực hiện báo cáo kịp thời với cơ quan chức năng khi để xảy ra tai nạn lao động nặng, chết người, thậm chí có doanh  nghiệp còn cố tình che dấu…

H.L

VN có 30.000 người lao động mắc bệnh nghề nghiệp.

Đây là số liệu do Cục trưởng Cục An toàn Lao động (Bộ LĐ-TB&XH) công bố mới đây. Tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận xét, con số thực tế cao hơn gấp nhiều lần. Bởi Việt Nam mới công nhận 30 bệnh nghề nghiệp, trong khi với xu thế hội nhập, nhiều ngành nghề mới, sử dụng nhiều hóa chất khác nhau sẽ khiến số bệnh nghề nghiệp cũng cao hơn. Theo Trung tâm Sức khỏe nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp có thể cấp hoặc mãn tính. Đối với bệnh nghề nghiệp cấp tính, nguyên nhân là do tiếp xúc với các hóa chất hoặc các yếu tố tác hại nghề nghiệp có độc tính cao, nồng độ cao trong thời gian ngắn. Bệnh nghề nghiệp mãn tính tích tụ lâu năm và rất nguy hiểm với sức khỏe sau này. Thời gian bị bệnh thường kéo dài nên việc thống kê báo cáo thường gặp khó khăn. Những người đến khám bệnh thường khi đã có xuất hiện những triệu chứng của bệnh. Bệnh bụi phổi là phổ biến nhất và nguy hiểm nhất (chiếm 74%), kế đến là điếc do tiếng ồn (17%), rồi các bệnh khác như nhiễm độc benzen; bệnh do tia X; sạm da nghề nghiệp, viêm da…

N.H