Nghề "thêu" rồng lên đá
(Dân trí) - Ở làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân có hơn 1.000 người thợ nhưng không phải ai cũng chế tác được đá thành rồng. Chỉ những thợ trời phú cho đôi tay tài hoa mới có thể "biến đá hóa rồng".
Thợ thêu thành thợ đá
Biết chúng tôi đang tìm hiểu về những người thợ có thể chế tác đá thành linh vật rồng, ông Nguyễn Quang Diệu, Trưởng Ban quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân (huyện Hoa Lư, Ninh Bình) không nghĩ nhiều, nhớ ngay đến anh Đỗ Quang Bình. Bởi nghệ nhân này có nhiều dấu ấn với các công trình chế tác đá thành rồng để đời.
Trong căn nhà khang trang 2 tầng, anh Bình dành riêng tầng 2 để làm việc. Trên chiếc bàn nhỏ anh để đầy các bản vẽ phác thảo những dự án sắp tới sẽ thực hiện. Nhiều nhất là các họa tiết hoa văn về rồng. Anh cười bảo: "Năm rồng nên các đơn hàng về linh vật này cũng đắt khách".
Nghệ nhân Đỗ Quang Bình bị tật nguyền, liệt một chân bên phải từ nhỏ, vì thế phải dùng nạng mới có thể để đi lại được. Tuy nhiên, hơn 30 năm qua chưa một ngày anh ngừng rảo bước trên các công trình từ trong Nam ngoài Bắc. Những dự án nổi tiếng chế tác bằng đá hầu như đều có dấu chân anh.
Rót ly trà mời khách, anh Bình tâm sự, vốn sinh ra không phải là người thợ đá mà là thợ thêu ren. Cũng vì tật nguyền mà cái nghiệp gắn với cuộc đời anh như một duyên nợ. Để rồi gắn bó với nghề chế tác đá mỹ nghệ như một duyên phận.
Khi tròn 16 tháng tuổi, sau cơn sốt cao, co giật, cơ thể anh bị biến chứng rồi liệt mất chân phải. "Tuổi thơ tôi là tháng ngày cơ cực cố gắng để lê lết thân mình. Lớn lên làm bạn với chiếc nạng, thua thiệt hơn chúng bạn cùng trang lứa nên khiến mẹ tôi vất vả hơn rất nhiều", anh Bình nhớ lại.
Chàng trai tật nguyền quyết phải làm được việc gì đó để không phải "ăn bám" gia đình. Ngày ấy, ở Ninh Vân nghề chế tác đá chưa phát triển như bây giờ. Anh Bình học nghề thêu ren. Bị khuyết tật chân nhưng trời lại phú cho anh đôi bàn tay khéo léo tài hoa, biết thêu thùa, vẽ thành thạo các họa tiết hoa văn cho thợ thêu trên vải. Nhờ nghề, anh tự kiếm được tiền nuôi sống bản thân, còn phụ giúp cả gia đình.
Đầu những năm 1990 của thế kỷ trước, nghề chế tác đá mỹ nghệ ở Ninh Bình bắt đầu nhộn nhịp phát triển. Máy móc công nghệ chưa có, người thợ làm thủ công 100%. Có tài bẩm sinh từ đôi tay vẽ họa tiết, anh Bình cũng chuyển sang vẽ họa tiết hoa văn trên đá, rồi chuyển nghề từ đó.
Hồn cốt làng nghề
Hơn 30 năm gắn bó với nghề chế tác đá, công trình lưu dấu nhiều kỷ niệm và gắn bó với cuộc đời anh Bình nhiều nhất là ngôi đình làng Xuân Vũ quê anh. Anh bảo, chắc chỉ đến lúc nhắm mắt xuôi tay mới thôi nhớ về những kỷ niệm trong những ngày cùng anh em làng mất bao công sức để làm ra ngôi đình "có một không hai" ở Việt Nam cách đây tròn 20 năm.
Ông Diệu cùng anh Bình đưa chúng tôi đến thăm ngôi đình để minh chứng cho những lời nói là thật. Cũng như để chúng tôi chiêm ngắm ngôi đình mà toàn bộ các hàng cột vững chãi đều được làm bằng đá. Trong đó có 6 cột chính được chạm khắc rồng đá tinh xảo cỡ lớn, hiếm nơi nào có được.
Anh Bình nhớ lại, ngôi đình là công trình tâm huyết của những con dân làng nghề, quy tụ tất cả các nghệ nhân đá tài hoa nhất của Ninh Vân cùng chung tay xây dựng. Anh vinh dự được giao làm "tổng chỉ huy" công trường và cũng là người vẽ những con rồng để chạm khắc, nằm chính giữa của ngôi đình.
"Ngày dựng 2 chiếc cột cái ngôi đình cũng là ngày tôi đi dạm ngõ cưới vợ. Sáng hôm ấy, cùng anh em dựng cột xong, các cụ làm mâm cơm liên hoan, tôi không dám ở lại uống rượu vì sợ lỡ việc lớn đời mình. Sau lễ ăn hỏi, tôi lại quay về cùng mọi người tiếp tục dựng đình làng. Năm đó, cùng lúc tôi làm 2 việc lớn đời người là dựng đình làng và lấy được vợ", anh Bình cười nói.
Dẫn khách tham quan một vòng, ông Diệu cứ xuýt xoa mãi các kiệt tác bằng đá do những người thợ quê mình làm ra. "Tất cả từ con số 0 tròn trĩnh, bằng sự đoàn kết, quyết tâm chung tay xây dựng đã tạo ra được cơ đồ to đẹp, độc đáo như như thế này", ông Diệu thán phục.
Theo ông Diệu, 20 năm qua, ngôi đình làng Xuân Vũ là biểu tượng của làng, cũng là công trình "xưa nay hiếm" ở vùng đất cố đô Hoa Lư. Vì toàn bộ khung cột được làm bằng đá, trong đó, có nhiều cột điêu khắc rồng độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
"Ngôi đình rộng 5 gian, gồm 6 hàng cột, trong đó có 2 hàng cột cái, 4 hàng cột quân, tổng số 24 cột đá. 6 cột cái mỗi cái cao 4,7m, cột quân thấp dần theo kiến trúc của đình. Trong đó, 6 cột cái chia thành 3 cặp cột, mỗi cặp đục một cặp long giáng, một cặp long thăng, một cặp long cuốn thủy, các cột quân chạm khắc tứ linh, sắp xếp đối xứng nhau", anh Bình lý giải vì sao đình làng Xuân Vũ lại độc đáo đến như vậy.
Nghề biến đá hoa rồng
Nghệ nhân 68 tuổi tiết lộ, tất cả các đột dựng trong đình làng Xuân Vũ đều được làm bằng đá nguyên khối, chạm khắc họa tiết rồng, hoa văn tinh xảo bằng thủ công. Các cột kèo kết nối với nhau bằng mộng cá, tạo thành một khối bền chắc, không tách rời.
Những ai từng đến làng nghề đá Ninh Vân sẽ khó quên hình ảnh ngôi đình đá nhìn cổ kính, rêu phong nằm trên thế đất đẹp nhất của làng. Ngay trước ngôi đình là 4 cây cột đá uy nghi, bên trên khắc hình chim phượng đang hướng lên trời xanh, tư thế cất cánh. Sân đình có cây thị cổ thụ 400 năm tuổi quanh năm xanh tốt, tỏa bóng mát cả một vùng trước sân đình.
Để làm được ngôi đình đặc biệt, theo anh Bình là cả một quá trình dài, đổ biết bao mồ hôi, công sức của dân làng. Tất cả đá được chọn, cắt xẻ trên núi rồi đưa về chế tác. Đây là công đoạn khó nhất, vì không dễ gì có thể mang được những khối đá to lớn xuống núi. "Người ta có câu "nặng như đá" là vậy", anh Bình nói.
Quá trình "biến đá hóa rồng" cũng công phu, không phải người thợ nào cũng làm được. Từ những khối đá vô tri, người thợ sẽ tạo hình cột tròn. Các họa tiết, hình vẽ trang trí được vẽ bằng tay trên giấy rồi phóng to trên khổ giấy lớn, dán vào cột đá, sau đó mới tiến hành đục đẽo.
Toàn bộ các phần việc trên đều do anh Bình phụ trách. Công đoạn thợ đục, thợ chạm theo hình vẽ cũng được anh chỉ đạo chặt chẽ. Ban đầu là đục phá, đục thô, tiếp đó hoàn thiện các chi tiết, tiểu tiết, rồi mài mòn, đánh bóng… mới ra được tác phẩm hoàn chỉnh. Một cây cột đá chạm rồng như thế, người thợ lành nghề phải mất vài ba tuần mới làm xong.
Tận tay sờ vào các linh vật rồng ở cột đá đình làng, ông Diệu thán phục: "Sự tỉ mẩn, kỹ lưỡng của con rồng do thợ đá làm ra không để những lỗi nhỏ vì thế không bị mất đi sự hoàn mỹ của cả tác phẩm. Con rồng uốn lượn ôm theo cột đá, có những đám mây vờn xung quanh tạo nên sự mềm mại, uyển chuyển tạo nên sự linh thiêng, biểu tượng cho sức mạnh, quyền lực", ông Diệu hồ hởi nói.
Anh Bình tiếp lời: "Rồng đá của làng nghề Ninh Vân giữ được thần thái của rồng thời Trần, thời Lý, nhưng được cách điệu để hài hòa, cân xứng, đẹp đẽ hơn qua mỗi một thời kỳ".
Trong cuộc đời làm nghề của mình, anh Đỗ Quang Bình trực tiếp xây dựng những công trình đá trong các di tích nổi tiếng như chùa Tứ Kỳ (Hải Dương), nhà ga cáp treo - chùa Yên Tử, cổng đá của khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, cây cau đá ở Quảng Bình, trung tâm Phật giáo Việt Nam bên Mỹ, cổng tam quan bằng đá, cột đá - rồng bệ tượng, nhang án khu đại bái (đền Côn Sơn - Kiếp Bạc), kèo đá của đình Hòa Lạc (Lâm Động, Thủy Nguyên, Hải Phòng), trụ đá biểu cổng chùa Việt Nam tại Texas, Hoa Kỳ năm 2000…
Ở Ninh Vân ngoài anh Đỗ Quang Bình còn nhiều người thợ tài hoa có thể biến đá hóa rồng. Nghề cha truyền con nối đã giúp cho nhiều lao động, nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ chính đôi bàn tay tài hoa, sự cần mẫn tìm tòi, học hỏi để phát triển nghề cha ông để lại.
Toàn xã Ninh Vân hiện có 10/12 thôn làm nghề chế tác đá, trong đó có 3 làng nghề là Xuân Vũ, Dưỡng Thượng và Dưỡng Hạ được công nhận là làng nghề chế tác đá mỹ nghệ truyền thống. Cả xã có 1.000 lao động chuyên làm nghề, nhiều nhất là ở các thôn Xuân Thành, Xuân Phúc, thôn Thượng và thôn Hạ, trong đó có khoảng 50 người có trình độ cao.
Người làm đá ở Ninh Vân tự hào khi bàn tay tài hoa của họ ghi dấu trên những công trình lớn của đất nước như: Cụm tượng đài nghĩa trang Trường Sơn, tượng Mẹ Suốt (Quảng Bình), tượng đài Bác Hồ ở quảng trường Hồ Chí Minh (TP Vinh, Nghệ An), tượng Trần Hưng Đạo ở Kinh Môn (Hải Dương), các pho tượng La Hán chùa Bái Đính (Ninh Bình)…