Nghề mộc cuối năm, vừa làm vừa "đuổi" khách

(Dân trí) - Những tháng giáp Tết, nghề mộc dân dụng khá bận rộn khi nhu cầu sắm sửa đồ đạc của người dân tăng cao. Nhiều thợ phải từ chối khách hàng để kịp thời gian trả những đơn hàng trước đó.

Bận rộn dịp Tết đến

Kinh nghiệm 12 năm làm nghề mộc dân dụng, anh Lê Văn Phú - chủ một xưởng mộc tại xã Hoàng Long (Phú Xuyên, Hà Nội) - cho biết: "Hàng năm, cách Tết Nguyên đán khoảng 3 tháng là những đơn đặt hàng bắt đầu tăng nhanh. Trước Tết 1 tháng, tôi không nhận nữa vì không thể làm kịp trả khách hàng".

Chia sẻ của chủ xưởng mộc dịp cuối năm

Sản phẩm ở xưởng mộc của anh gồm bàn ghế tựa, giường nằm, tủ đứng, đồ thờ tự, các loại cửa, salon. Ngoài các sản phẩm mộc thông thường, cơ sở của anh Lê Văn Phú còn phục vụ theo đơn đặt hàng cao cấp như chạm khắc họa tiết hoa văn trang trí.

Theo anh Lê Văn Phú, để chuẩn bị làm cho dịp cuối năm, cửa hàng đã phải nhập hàng chục gỗ khối về sơ chế thành từng tấm từ giữa năm. Nhu cầu mua sắm của khách hàng dịp cuối năm rất đa dạng và phong phú về chất gỗ cũng như loại đồ dùng.

Để kịp tiến độ sản phẩm cho khách hàng, mỗi ngày, anh phải làm việc từ 7h - 21h. Với những sản phẩm do chính tay anh làm nên chất lượng và tính thẩm mỹ cao, số lượng đơn hàng tăng lên hàng năm.

Nghề mộc cuối năm, vừa làm vừa đuổi khách - 1

Xưởng sản xuất ngổn ngang các sản phẩm đang chế tác dở

Cùng cảnh tất bật dịp cuối năm, anh Nguyễn Văn Phái, chủ một xưởng mộc trên địa bàn xã Dân Hòa (Thanh Oai, Hà Nội, cho biết: "Nghề mộc dân dụng này chủ yếu làm việc vào cuối năm khi nhu cầu sản sửa đồ đạc trong gia đình của người dân tăng cao. Hơn nửa cuối năm và Tết xong cũng là mùa cưới nên các sản phẩm đóng chủ yếu là giường và tủ".

Được biết, từ nay đến Tết Nguyên đán, anh Nguyễn Văn Phái còn hơn 20 đơn hàng cần phải hoàn thiện. Để hoàn thiện một chiếc tủ bằng gỗ tốt, người thợ lành nghề như phải mất từ 3 - 4 hôm từ công đoạn: Xẻ gỗ, đóng ghép, sơn sau đó vận chuyển đến trả khách hàng.

Nghề mộc cuối năm, vừa làm vừa đuổi khách - 2

Anh Phú tất bật với những đơn hàng dịp cuối năm 

Mỗi dịp cuối năm, tại xưởng gỗ của anh tiêu thụ hết khoảng 40 đến 50 tấn gỗ, và có thể sản xuất ra gần 2 tỷ đồng tiền sản phẩm. Trừ chi phí nhân công, nguyên liệu, chỉ trong 4 tháng cuối năm anh thu lời vài trăm triệu đồng.

"Suốt 8 năm làm nghề này, chưa năm nào tôi được về nhà ăn tết sớm, có những năm gần giao thừa mới lắp đồ xong cho khách hàng" - anh Nguyễn Văn Phái nói.

Nghề kén người

Theo anh Nguyễn Văn Phái, công việc thì nhiều, những việc tuyển thợ lại vô cùng khó khăn. Để làm được một người thợ mộc lành nghề, cần phải học rất nhiều. Ngoài việc học tập rèn luyện ra người làm thợ cũng cần phải có một chút năng khiếu.

Nghề mộc cuối năm, vừa làm vừa đuổi khách - 3

Anh Phái và một sản phẩm vừa hoàn thiện

Cũng theo anh Nguyễn Văn Phái, nghề mộc cũng là một nghề có nguy cơ tai nạn lao động cao từ máy móc hay những khối gỗ nặng, ngoài ra làm mộc cũng rất bụi nên thanh niên ngày nay rất ít người theo nghề.

"Tuyển người phụ rất khó, đa số họ đến xin làm để học nghề, mình mất rất nhiều thời gian chỉ dạy nhưng đến lúc biết nghề là họ rời đi. Để có được một người thợ "cứng" phải học đến vài năm, nhiều người không có năng khiếu, không chịu được bụi bẩn cũng không thể thành nghề" - anh Nguyễn Văn Phái cho hay.

Anh Nguyễn Văn Phái cho rằng, nghề này không phải cứ nhiều việc là tuyển được người làm thuê vì cần phải đào tạo rất lâu mới có thể làm được. Những người có nghề thường mở xưởng không thì đòi hỏi mức lương rất cao. 

Còn đối với anh Lê Văn Phú, cho dù nhiều việc đến nỗi phải "đuổi" khách nhưng chất lượng sản phẩm cũng như an toàn lao động luôn được đặt nên hàng đầu.

Nghề mộc cuối năm, vừa làm vừa đuổi khách - 4

Máy móc hỗ trợ rất nhiều trong việc làm nghề những cũng rất nguy hiểm  

"Làm mệt hay buồn ngủ là phải nghỉ ngay, không thể cố được vì máy móc rất nguy hiểm, nhất là máy xẻ gỗ, không ít người mất ngón tay, kém may mắn hơn là cả bàn tay dẫn đến việc bỏ nghề. Ngoài ra những sai sót nhỏ trong đo đạc cũng có thể làm hỏng cả sản phẩm " - anh Lê Văn Phú chia sẻ.

Hiện nay xưởng mộc của anh Lê Văn Phú có 3 nhân công làm việc với mức lương 7 triệu đồng/tháng, nhưng mới chỉ làm được những việc đơn giản như xẻ gỗ hay lắp ráp, những công việc yếu cầu kỹ thuật vẫn phải tự tay anh làm.

Theo anh Lê Văn Phú, nghề mộc cần độ chính xác từ những thứ nhỏ nhất như đục mộng hay pha sơn. Người pha sơn chỉ cần pha sai lệch tỉ lệ cũng dẫn tới việc gỗ mất vân hay màu sơn không được bền, một chiếc mộc bị đục rộng hay hụt cũng đều làm ảnh hưởng đến độ chắc chắn của cả sản phẩm.

Nghề mộc cuối năm, vừa làm vừa đuổi khách - 5

Từng sản phẩm cần được trau chuốt để đạt về cả chất lượng lẫn thẩm mỹ

Nghề mộc cuối năm, vừa làm vừa đuổi khách - 6

Nghề thợ mộc không phải ai cũng có thể làm được 

Nghề mộc cuối năm, vừa làm vừa đuổi khách - 7

Phải tỉ mỉ từ những thứ nhỏ nhất