1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nghệ An:

Muối trắng lấp lánh giữa nắng hè mà diêm dân tính ... bỏ nghề

(Dân trí) - Người làm muối Nghệ An vẫn tự trào công việc "làm một ngày, ăn cả năm không hết". Nhưng giữa những ngày hè tháng 6, giá muối đang rớt thê thảm khiến lao động Quỳnh Lưu (Nghệ An) phải tính bỏ nghề...

Thu nhập thấp, diêm dân Nghệ An tính bỏ nghề

Nghề phơi xương

Chia sẻ với PV Dân trí, ông Trần Văn Quế (xóm 4, xã Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu, Nghệ An) gọi công việc đang làm gần nửa thế kỷ qua là nghề phơi xương.

“Quần quật ngoài đồng từ tinh mơ, xuyên trưa, kéo dài cho đến chiều - như thế không phơi xương thì còn là gì?. Có lẽ trên trần đời, không có nghề nào cực khổ bằng nghề làm muối”, ông Quế nói.

Muối trắng lấp lánh giữa nắng hè mà diêm dân tính ... bỏ nghề - 1
Trên cánh đồng muối xã Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu, Nghệ An) chỉ thấy phụ nữ, người già.

Trưa tháng 6, trời nắng hoa mắt. Ông Quế vẫn cùng vợ ra đồng muối. Vợ ông bịt khăn kín mít, hở mỗi hai con mắt. Ông Quế đội chiếc khăn tay vắt qua đầu, vừa chống nắng và thấm mồ hôi.

Giữa nắng nóng, khuôn mặt lão diêm dân đen bóng. Mồ hôi trên khuôn mặt ông đọng thành từng giọt, nhỏ tong tong xuống, mất hút vào ruộng cát.

Từ lúc gần 10 tuổi, ông đã quần quật trên đồng muối. Cào muối - nhiệm vụ lúc đó là “nhẹ nhàng” nhất mà mỗi đứa trẻ làng muối đều có thể giúp đỡ cha mẹ.

Lớn hơn, chàng trai diêm dân mới đủ sức khoẻ để trải qua quá trình tích lũy kinh nghiệm từ cha ông: Tưới nước biển xuống ruộng cát, phơi, cào cát, nén cát đổ nước vào để chắt thành “nước khắt”.

Muối trắng lấp lánh giữa nắng hè mà diêm dân tính ... bỏ nghề - 2

Diêm dân phơi mình trên cánh đồng muối giữa cái nắng hơn 40 độ C.

Từ thứ nước mặn 45 độ ấy phải dùng kinh nghiệm để “đong”, lúc nào còn khoảng 25 độ mặn thì mới đổ vào ô phơi.

Dưới sức nóng của mặt trời, những ô nước có độ mặn khoảng 25% sẽ kết tinh thành hạt muối. Nói thì nghe chừng đơn giản nhưng để làm ra được hạt muối, diêm dân phơi lưng ngoài đồng, quần quật đến khớp xương rệu rã, người quắt lại, đen bóng.

Muối trắng lấp lánh giữa nắng hè mà diêm dân tính ... bỏ nghề - 3
Nguồn nước biển dùng để sản xuất muối đang có nguy cơ bị ô nhiễm khiến chất lượng hạt muối bị ảnh hưởng.

“Cái nghề làm muối là phải chạy đua với nắng, nên tầm 11h-15h là đổ ra đồng để làm vì thời gian đó mới đủ nắng để nước bay hơi, kết tinh được muối”, bà Nguyễn Thị Thịnh (trú xóm 4, Quỳnh Thuận), chia sẻ.

Điều này cũng dễ hiểu bởi khi mặt trời chiếu xuống, dưới thì hơi nóng từ ruộng cát, từ ô phơi muối hấp lên. Bà Thịnh nói rằng: "Người cứ gọi là quắt cả lại nhưng cái nghề này, càng nắng thì hạt muối càng trắng, càng có giá...".

Muối trắng lấp lánh giữa nắng hè mà diêm dân tính ... bỏ nghề - 4
Công đoạn phơi đất, cào đất tốn nhiều công sức.
Muối trắng lấp lánh giữa nắng hè mà diêm dân tính ... bỏ nghề - 5
Cát sau khi tưới nước biển, phơi khô được đổ vào hố, nén chặt để lọc ra nước khắt - thứ nước có độ mặn 45 độ...

Mỗi năm, nghề làm muối kéo dài được 4-5 tháng, bắt đầu từ tháng 2 âm lịch. Năm nào hạn hán, nắng to, mùa làm muối có thể kéo dài đến tháng 7 âm lịch. 4-5 tháng làm quần quật để “gánh” chi phí con cái học hành, chi tiêu cho cả năm.

Bởi vậy, bà Thịnh - người có hơn 40 làm muối - nói thì “không chạy đua với trời không được”.

Tắt nắng là hết tiền

Nghề làm muối vất vả, cực nhọc nhưng giá muối liên tục sụt giảm khiến diêm dân không còn mấy mặn mà với nghề.

Theo ông Nguyễn Bình (SN 1958, trú xóm Trường Thịnh, xã Quỳnh Thuận), người có thâm niêm hơn 20 năm làm nghề thu mua muối thì chưa có năm nào giá muối sụt giảm như năm nay. Hiện tại giá muối thu mua của người dân chỉ ở mức 1.300 đồng/kg.

Muối trắng lấp lánh giữa nắng hè mà diêm dân tính ... bỏ nghề - 6
Người dân chạy đua với nắng đổ nước vào ô phơi để sản xuất hạt muối chất lượng và năng suất cao.

“Muối rẻ nhưng cũng không có người mua. Hiện tôi còn tồn hơn 100 tấn muối của mùa trước chưa bán được, nếu tiếp tục thu mua muối của dân thì nguy cơ tiếp tục ùn ứ, thua lỗ vì muối để lâu sẽ hao hụt”, ông Bình cho biết.

Theo ông Trần Văn Trung - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thuận, diện tích làm muối của địa phương không giảm nhưng diêm dân không còn chú trọng với nghề.

Dù có truyền thống làm muối nhưng hiện tại trên toàn địa bàn có khoảng 1.100 lao động tham gia sản xuất muối, chiếm chưa đến 20% dân số toàn xã. Trong khi trước đây, khi muối có giá, nghề này thu hút đến 60% lao động tham gia.  

Muối trắng lấp lánh giữa nắng hè mà diêm dân tính ... bỏ nghề - 7
Hơn 40 năm trong nghề, chưa bao giờ bà Thịnh thấy giá muối rẻ như năm nay.

Chị Tô Thị Phương (xóm 5, Quỳnh Thuận) cùng mẹ chồng và cô con gái 12 tuổi có mặt trên cánh đồng muối từ gần 12h trưa. Đôi mắt người mẹ 4 con này trũng xuống đầy lo âu.

Theo tính toán của chị, trung bình mỗi ngày công mà các thành viên trong gia đình chị thu được sau 1 ngày quần quật trên đồng muối chưa đến 40 nghìn đồng.

“Mức thu nhập này với điều kiện là muối làm ra bán được. Từng này tiền chỉ đủ chi tiêu tối thiểu trong ngày, khó để tích lũy để trang trải chi phí sinh hoạt cả năm. Tôi vướng bận con nhỏ nên phải làm muối chứ thực sự nghề này không ăn thua, lại quá cực nhọc”, chị Phương cho hay.

Muối trắng lấp lánh giữa nắng hè mà diêm dân tính ... bỏ nghề - 8

Trong khi lao động trai tráng bỏ đi tìm công việc khác có thu nhập cao hơn thì trên đồng muối chỉ thấy người già, phụ nữ, trẻ em.

Thu nhập thấp nhưng hiện người làm muối tại xã Quỳnh Thuận cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khác trong sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Thịnh nói: “Nước biển ngày càng bị ngọt hóa, và chất đất cũng bị thoái hóa, khó sản xuất ra muối đạt chất lượng, năng suất cao như trước đây”.

Nghề muối hiện đang “thất sủng” so với nhiều nghề lao động tay chân khác. Tuy nhiên, để khôi phục nghề muối, thu hút lao động trở lại với nghề cha ông để lại, theo ông Chủ tịch UBND Trần Văn Trung thì “cực kỳ nan giải”.

Muối trắng lấp lánh giữa nắng hè mà diêm dân tính ... bỏ nghề - 9

Giá muối xuống thấp kỷ lục, mỗi ngày quần quật dưới nắng chị Tô Thị Phương chỉ kiếm được chưa đến 40 nghìn đồng.

“Nghề muối thu nhập không cao, ưu thế là tận dụng được lao động, nhất là lao động già yếu, phụ nữ… Còn thanh niên trai tráng hay những người trong độ tuổi lao động từ 18 đến trên 50 tuổi thì đi tìm công việc khác, có thu nhập hơn.

Với giá muối hiện tại, trong điều kiện nắng to, sức lao động thanh niên tính ra chỉ kiếm được từ 150-180 nghìn đồng/ngày thì bám vào nghề muối sống sao được?”, ông chủ tịch xã chua chát về nghề truyền thống của địa phương mình.

Hoàng Lam