(Dân trí) - Thời tiết càng nắng nóng và cực nhọc nhưng những người gắn bó với nghề muối ở Hậu Lộc (Thanh Hóa) vẫn miệt mài làm việc.
Nắng nóng hơn 40 độ C, hạt muối đẹp và diêm dân càng cực nhọc
Thời tiết càng nắng nóng và cực nhọc nhưng những người gắn bó với nghề muối ở Hậu Lộc (Thanh Hóa) vẫn miệt mài làm việc.
Vựa muối Tam Hòa, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa những ngày này bắt đầu vào chính vụ. Tranh thủ những ngày nắng nóng, diêm dân nơi đây đang khẩn trương ra đồng để làm muối. Theo họ, nghề muối phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên thường tập trung cao điểm sản xuất trong mùa nắng, từ tháng 4 đến tháng 6.
Khi ánh nắng bắt đầu gay gắt, chói chang nhất cũng là lúc những người diêm dân ra đồng để làm việc.
Với kinh nghiệm hơn 40 năm làm muối, năm nay dù đã bước sang tuổi 75, nhưng ông Lê Văn Ngọc (thôn Tam Hòa, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc) vẫn miệt mài trên ruộng muối. Công việc đã gắn bó với ông gần nửa cuộc đời.
"Nghề làm muối chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết. Trời nắng gắt, hạt muối càng đẹp. Dù vất vả nhưng chúng tôi phải tranh thủ ra đồng", ông Lê Văn Ngọc chia sẻ.
Để tạo ra được những hạt muối đòi hỏi diêm dân phải mất rất nhiều thời gian với nhiều công đoạn khác nhau. Công đoạn đầu tiên là phải xử lý nền đất cho thật chặt để hạn chế tối đa nước biển thấm vào đất.
Sau đó, tiếp tục cho nước biển vào phơi khô để thêm độ rắn cho đất. Khi nền ruộng muối đã đạt yêu cầu, người dân mới bắt đầu tưới nước biển vào bên trong.
Người làm nghề tưới nước mặn từ bể vào sân phơi, ngâm cát vào nước biển (nước mặn độ 1), sau đem cát đi phơi trên sân đất nện, khi khô trên từng hạt cát sẽ kết tinh thành những hạt muối nhỏ.
Sau đó diêm dân sẽ dùng xẻng xúc đất rồi vận chuyển vào các dạt lắng, dùng chân nén thật chặt…
Công đoạn tiếp theo, khi cát kết tinh đưa vào lắng qua nước biển, sau đó sẽ đem chỗ nước lắng đọng lại rồi đưa ra sân phơi. Nắng sẽ làm bốc hơi một phần nước biển. Đồng thời, phần nước biển còn lại sẽ tạo thành những hạt muối.
Sau đó, diêm dân dùng dụng cụ để cào muối. Những hạt muối trắng tinh sẽ được gom lại bằng chiếc cào gỗ hoặc sắt, đây là những dụng cụ khá quan trọng để người dân sử dụng trong thu hoạch muối.
Đôi tay của người diêm dân cả ngày phơi nắng cũng trở nên đen sạm.
"Nghề này rất vất vả, thế nhưng những người làm nghề chủ yếu là người già. Giới trẻ bây giờ không theo nghề nữa mà đi làm cho các công ty, vì không chịu được vất vả, nắng nóng", bà Nguyễn Thị Do (67 tuổi, diêm dân thôn Tam Hòa) tâm sự.
Trời nắng gần 40 độ C, mồ hôi ra nhiều khiến ông Lê Văn Thành (57 tuổi, thôn Tam Hòa) nhanh thấm mệt. Ông phải dựng một chiếc lều dã chiến để nghỉ ngơi, uống nước cho hồi lại sức.
Sau nhiều công đoạn, những hạt muối là sự kết tinh từ nước biển cũng được hình thành. Dù vất vả, nhưng khi làm ra được hạt muối, người diêm dân đã nở nụ cười hạnh phúc với thành quả lao động.
Trung bình mỗi ngày, một người có thể làm ra được 1 tạ muối. Với giá bán 1.500 -1.800 đồng, họ có mức thu nhập từ 150.000-180.000 nghìn đồng mỗi ngày.
Theo ông Nguyễn Văn Huân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc, hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 30 ha diện tích đồng muối đang được sử dụng. Những năm trước kia, diện tích này lớn hơn nhiều, nhưng do nghề làm muối vất vả mà thu nhập thấp nên nhiều người đã bỏ nghề.
"Bên cạnh việc duy trì nghề làm muối, chính quyền địa phương đang tìm hướng chuyển đổi mô hình đối với một số diện tích kém chất lượng để nuôi tôm", ông Huân cho biết.