Nghề làm "kinh tế xanh" lương nghìn USD, chưa ra trường đã có việc
(Dân trí) - Khoảng 5- 10 năm nữa, lượng công việc mảng phát triển "kinh tế xanh" sẽ rất mạnh, nhu cầu nhân lực rất nhiều. Phụ huynh học sinh cần nắm bắt xu hướng để lựa chọn ngành nghề kịp xu thế.
Trên đây là ý kiến của ông Ngô Xuân Nam, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Nams, tại hội thảo quốc tế "Phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam" tổ chức ngày 18/5.
Hội thảo nhằm chia sẻ tri thức từ các học giả trong nước và quốc tế về "kinh tế xanh", kinh nghiệm phát triển "kinh tế xanh", phương hướng chuẩn bị nguồn nhân lực.
Lương nghìn đô vẫn "khát" nhân lực
"Kinh tế xanh" là nền kinh tế ít phát thải carbon, sử dụng hiệu quả tài nguyên và đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ được môi trường. Để phát triển kinh tế xanh thì nguồn nhân lực "kinh tế xanh" có tầm quan trọng rất lớn.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Ngô Xuân Nam cho biết, nếu trước đây các doanh nghiệp thiếu nguồn nhân lực "kinh tế xanh" thì hiện nay, việc tìm kiếm nhân công trong lĩnh vực này không quá khó do nhiều đơn vị đã tham gia đào tạo.
Ông Nam khẳng định, khoảng 5-10 năm nữa, lượng công việc mảng phát triển "kinh tế xanh" sẽ rất mạnh, nhu cầu nhân lực lớn.
Phụ huynh học sinh cần nắm bắt xu hướng này để lựa chọn ngành nghề ngay từ bây giờ để bắt kịp xu thế.
Với tiêu chí cung cấp các sản phẩm liên quan đến nông nghiệp và sản phẩm tinh chế sang thị trường Châu Âu, theo ông Nam, những doanh nghiệp như công ty của ông cần rất nhiều nhân lực liên quan đến "kinh tế xanh".
Công ty cũng chấp nhận trả mức lương hậu hĩnh nếu nhân sự ấy đáp ứng tốt công việc.
Chẳng hạn, vị trí giám đốc nghiên cứu, đơn vị có thể trả lương từ 5- 7 nghìn USD/nhân sự/tháng. Tất nhiên yêu cầu cho vị trí này khá cao như có bằng tiến sĩ, kinh nghiệm ít nhất 5 năm ở vị trí giám đốc nghiên cứu.
Những vị trí thấp hơn dành cho nghiên cứu sinh hoặc sinh viên mới ra trường, mức lương rơi vào khoảng 1- 2 nghìn USD/nhân sự/tháng.
Cũng theo chuyên gia này, "kinh tế xanh" là vấn đề toàn cầu trong thời đại mà các cá nhân, doanh nghiệp đều phải có ý thức bảo vệ môi trường. Nắm bắt được xu hướng này, hiện các doanh nghiệp ở Việt Nam đã áp dụng tiêu chuẩn ISO để bảo vệ môi trường.
Còn khách hàng hướng tới thực phẩm organic và thực phẩm sạch, các sản phẩm có bao bì tự nhiên được ưa chuộng hơn.
Chính vì doanh nghiệp tham gia "kinh tế xanh" tăng lên như vậy, nhu cầu lao động đối với ngành này đang dần tăng.
Một số ngành dễ kiếm việc được ông Nam chỉ ra liên quan đến trí tuệ nhân tạo và giúp doanh nghiệp ứng dụng để phát triển kinh tế xanh như kiểm soát chất lượng sản phẩm, đánh giá chất lượng bao bì, chất lượng nguồn nước xả thải...
Sinh viên năm 3, năm 4 đã có việc
Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại cho hay, hiện các trường đại học đã quan tâm, đa dạng hóa các lĩnh vực và ngành nghề đào tạo hướng tới "kinh tế xanh" và phát triển bền vững.
Do đó, không chỉ Trường Đại học Thương Mại mà nhiều trường khác cũng phát triển theo hướng này.
Theo chuyên gia này, những năm gần đây, các học viện, trường đại học đã quan tâm nhiều đến nâng cao chất lượng, giảng dạy các học phần liên quan đến môi trường, phát triển bền vững.
Sự quan tâm đó nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho sự phát triển "kinh tế xanh" ở Việt Nam trong thời gian tới.
Đơn cử một số ngành có tỷ lệ người học rất lớn, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp cao như quản trị nhân lực xanh, logistics xanh, chuỗi cung ứng xanh, direct marketing (tiếp thị tương tác)…
"Những ngành nghề liên quan đến môi trường rất "khát" nhân lực nên có lương cao, nhu cầu lớn. Các ngành này đã được khẳng định trên thị trường lao động nên có nhiều thí sinh lựa chọn xét tuyển. Theo tôi đánh giá, những ngành này khi các em ra trường có thể kiếm được việc làm nhanh nhất, với mức lương rất cao.
Chẳng hạn 2 năm vừa qua, một số sinh viên tốt nghiệp Trường ĐH Thương Mại các lĩnh vực hot như logistics, marketing, thương mại điện tử có thể nhận việc ngay từ khi đang học năm ba hoặc năm tư.
Đây là minh chứng cho thấy việc phát triển nhân lực xanh hoàn toàn có cơ sở, có sự thu hút với người lao động nên Việt Nam có đủ điều kiện phát triển ngành kinh tế xanh trong thời gian tới", PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan nói.
Mặc dù vậy, theo PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan, nếu đặt lên bàn cân so sánh, sự phát triển nguồn nhân lực cho ngành kinh tế xanh hiện chưa đồng đều, mất cân đối.
Một số lĩnh vực đội ngũ nhân lực đã có nhưng có những lĩnh vực còn thiếu và yếu như công nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo.
Về vấn đề này, PGS,TS. Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển nhận định, hiện có nhiều ngành học liên quan đến bảo vệ môi trường nhưng việc thu hút sinh viên khá khó khăn. Nguyên nhân có lẽ các em còn ngại lao động nặng nhọc và lương thấp.
Mặc dù vậy, theo PGS Nguyên, có một số ngành cơ hội việc làm cao liên quan đến công nghệ sinh học.