Nền kinh tế chăm sóc sẽ tạo ra hơn 269 triệu việc làm vào năm 2030 | Báo Dân trí

Nền kinh tế chăm sóc sẽ tạo ra hơn 269 triệu việc làm vào năm 2030

An Linh

(Dân trí) - Theo đại diện Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) tại Việt Nam, nếu tăng gấp đôi đầu tư vào nền kinh tế chăm sóc, Việt Nam sẽ có hơn 269 triệu việc làm mới được tạo ra vào năm năm 2030.

Tại Hội thảo chuyên đề về cách mạng 4.0 và yêu cầu chuyển đổi thị trường lao động của Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 do Ban Kinh tế trung ương tổ chức tại Hà Nội mới đây, các chuyên gia, học giả đều nêu ra những vấn đề của lao động trong thời đại mới.

Cụ thể, bà Nguyễn Hồng Hà, đại diện lâm thời Tổ chức Lao động thế giới (ILO) tại Việt Nam cho rằng, đầu tư vào nền kinh tế xanh, kinh tế chăm sóc có thể khiến 6 triệu việc làm mất đi, nhưng lại thêm hơn 24 triệu việc làm mới, đặc biệt, đối với nền kinh tế xanh, có thể tạo ra được hơn 18 triệu việc làm.

Nền kinh tế chăm sóc sẽ tạo ra hơn 269 triệu việc làm vào năm 2030 - 1

Đầu tư vào nền kinh tế chăm sóc, trong đó có chăm sóc sức khỏe con người sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn trong tương lai (Ảnh minh họa).

Đối với nền kinh tế chăm sóc, theo khái niệm của đại diện ILO là nền kinh tế hướng sâu vào dịch vụ, chất lượng sống con người, kinh tế tuần hoàn và xanh hóa cho thế giới, sẽ tạo ra được nhiều việc làm hơn.

"Nếu tăng gấp đôi đầu tư vào nền kinh tế chăm sóc, có thể tạo được hơn 269 triệu việc làm vào năm 2030", bà Hà cho biết.

"Tương lai việc làm phụ thuộc vào chính chúng ta, những hành động hôm nay sẽ định hình tương lai của việc làm. Cách mạng 4.0 tạo ra nhiều thách thức, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội. Do đó, phát triển kỹ năng không phải là nhiệm vụ của riêng bên nào", bà Nguyễn Hồng Hà nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn, ông Đỗ Ngọc An - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - cho hay, trong thời gian qua, nguồn nhân lực của đất nước được tăng cường cả về quy mô và chất lượng. Lực lượng lao động cả nước tăng từ 50,4 triệu người năm 2010 lên 56,2 triệu người năm 2020.

Nền kinh tế chăm sóc sẽ tạo ra hơn 269 triệu việc làm vào năm 2030 - 2

Ông Đỗ Ngọc An - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (Ảnh minh họa).

Tỉ lệ lao động qua đào tạo từ 40% năm 2010 tăng lên khoảng 65% năm 2020. Nhân lực chất lượng cao tăng đáng kể, trong đó có một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế như y tế, cơ khí, công nghệ, xây dựng.

Tuy nhiên, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Cụ thể, ở bình diện quốc gia, mới đưa ra chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam nói chung, chưa có chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tỉ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn, chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, thiếu lao động có trình độ, năng lực, kỹ năng tay nghề cao, thừa lao động thủ công, không qua đào tạo.

"Việc xây dựng đội ngũ, đào tạo bồi dưỡng và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp có phẩm chất và bản lĩnh, có trình độ năng lực và chất lượng còn nhiều bất cập; thiếu đội ngũ chuyên gia trong các ngành kinh tế, kỹ thuật và công nhân lành nghề.

Sự kém phát triển, thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cao đang trở thành trở ngại lớn cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế", ông An nhận định.