Nghề đóng đáy cược mạng sống kiếm cơm gạo qua ngày

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Khi hầu hết mọi người đã đi ngủ thì những người đóng đáy lại âm thầm bơi thuyền ra sông, ngụp lặn giữa sự lạnh lẽo, đối mặt với nguy hiểm, chỉ mong mỗi lần kéo lên trong lưới có một chút cá tôm.

Cứ quá nửa đêm, vợ chồng anh Nguyễn Văn Thắng (48 tuổi, ngụ ở xã Lương Hòa, Giồng Trôm, Bến Tre) lại cùng chiếc ghe nhỏ âm thầm luồn qua rừng dừa nước ra sông Bình Chánh để bắt đầu ngày làm việc mới. Trên mặt nước rộng tĩnh mịch tập trung 5 chiếc thuyền của 5 gia đình cùng làm nghề đóng đáy như vợ chồng anh Thắng. Những chiếc thuyền theo thứ tự xếp thành một hàng dựa vào dãy cọc dừa đã được cắm ngang sông.

Nghề đóng đáy ở miền Tây, cược mạng sống kiếm cơm gạo qua ngày

Trước khi vào việc, anh Thắng kiểm tra qua ngư cụ một lượt và tát cạn nước trong thuyền. Người đàn ông cũng lội xuống sông kiểm tra đáy một lượt đề phòng có cành cây trôi vào bên trong gây rách lưới.

"Để đóng được một cửa đáy tốn công, tốn tiền lắm, phải tìm mua 2 cây dừa lão cao trên 18m, loại này hiếm nên giá đắt. Mang dừa về, phải thuê người đóng xuống đáy sông, việc này cũng không dễ gì, đóng xuống xong còn phải giằng néo cho chắc chắn. Tiền dừa, tiền công, tiền dây buộc, tiền lưới cũng phải đến 50 triệu đồng chứ không ít.

Mỗi cửa đáy rộng mười mét, ngang sông này có 7 cửa, cứ cách một km lại có một hàng đáy như vậy. Sông Bình Chánh này sâu trên 17m, lưới đáy có miệng rộng đúng bằng cửa đáy, thả sâu chạm bùn, dài 40m. Mực nước lớn nước ròng lệch nhau từ 3-5m nên nước chảy rất xiết, cá tôm vào đáy là không bơi ra được", anh Thắng vừa kiểm tra lưới vừa chia sẻ.

Nghề đóng đáy cược mạng sống kiếm cơm gạo qua ngày - 1

Hàng cọc đáy cắm ngang sông lớn (Ảnh: Nguyễn Cường).

Khi thấy mọi thứ đều ổn, anh Thắng lên thuyền cùng vợ là chị Nguyễn Thị Tha (50 tuổi) bắt đầu kéo lưới. Lưới nặng nên kéo rất mất sức, cứ kéo được khoảng 10m vợ chồng anh Thắng lại phải dừng lại nghỉ một lúc để lấy sức.

Tận dụng thời gian nghỉ, chị Tha tranh thủ giặt luôn đoạn lưới vừa kéo lên. Nhà anh Thắng có 3 cửa đáy, sau gần 2 giờ đồng hồ thì cả 3 tấm lưới cũng được kéo xong.

Nghề đóng đáy cược mạng sống kiếm cơm gạo qua ngày - 2

Những người đóng đáy đang kéo lưới (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Làm đáy cực. Con nước đến lúc nửa đêm thì phải thức, vừa thức vừa trầm mình dưới sông nên mất sức lắm. Con nước ban ngày thì phải chịu nắng, ở giữa sông, nắng càng thêm gắt. Khổ nhất là những đêm mưa gió, lật thuyền thì chỉ biết khóc chứ không làm gì được" - chị Tha miêu tả.

Người phụ nữ cả đời gắn với sông nước nêu quy luật, một tháng có 2 con nước theo trăng tròn, trăng khuyết, mỗi con nước chỉ đóng đáy được 4 ngày, những ngày còn lại nước chảy chậm thì không làm được, phải tìm việc khác.

"Nay khá, chắc được 5kg tôm, tôm này giá từ 130.000 đồng đến hơn 400.000 đồng một kg. Nay may mắn đấy, cả năm không có được vài bữa tôm nhiều như vậy đâu", chị Tha miệng nói trong khi tay vẫn liên tục lựa số tôm cá mới bắt cho kịp trời sáng.

Nghề đóng đáy cược mạng sống kiếm cơm gạo qua ngày - 3

Chỉ những người không nhiều lựa chọn mới chấp nhận làm nghề đóng đáy, vừa cực nhọc, vừa nguy hiểm (Ảnh: Nguyễn Cường).

Khi mặt sông dần sáng rõ, nước đã đầy thì những chiếc thuyền đóng đáy lại âm thầm chui về "nghỉ" sau bờ dừa nước. Anh Thắng kiểm tra thuyền ghe, ngư cụ một lần nữa trước khi lên bờ, chị Tha cũng xách làn mang tôm ra chợ bán cho kịp.

Trong khoảng 6-10 giờ sáng, những gia đình đóng đáy sẽ tranh thủ chợp mắt một chút. Sau giờ cơm trưa, giữa cái nắng gay gắt, những chiếc ghe lại ra sông chuẩn bị buổi đóng đáy ban ngày.

Anh Thắng cho biết, mỗi ngày nước sông có 2 lần lên, 2 lần xuống. Trước khi nước xuống sẽ có khoảng 30 phút nước không chảy, buộc phải căn đúng khoảnh khắc đó để thả lưới đáy. Cuối con nước rút cũng là lúc đóng đáy thu lưới. Nước chảy mạnh khiến cá tôm vào lưới không thoát ra được.

Nghề đóng đáy cược mạng sống kiếm cơm gạo qua ngày - 4

Thủy sản "chui" vào đáy chủ yếu là tôm càng xanh và cá nhỏ (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Tôi bắt đầu đi đóng đáy thuê từ năm 16 tuổi, 15 năm trước mới vay mượn được tiền để mua một cửa đáy cho riêng mình. Xưa cá tôm nhiều lắm, mỗi lần đóng đáy là xúc từng cần xé (rổ lớn, dung tích khoảng 100l) nên ham lắm.

Giờ cá tôm hiếm hơn, lại có tuổi rồi, chẳng làm gì được nên cứ phải bám với nghề này. Người ta gọi đóng đáy là nghề mạt hạng vì cứ khô quần áo là hết tiền đong gạo", anh Thắng bộc bạch.

Chị Tha bảo rằng ngày xưa còn có người muốn làm nghề đóng đáy, còn nay chỉ có những người không làm được gì mới tiếp tục nghề này.

Nghề đóng đáy cược mạng sống kiếm cơm gạo qua ngày - 5

Hầu hết thời gian trong ngày, vợ chồng anh Thắng cũng như những người đóng đáy khác đều ở trên thuyền để tiện công việc (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Nguy hiểm, đánh cược mạng mình với hà bá để kiếm cơm, nhưng đói hoài chứ không khá đâu. Ngày trước, mỗi miệng đáy đầu tư ngót 50 triệu đồng, nhưng giờ rao bán 15 triệu đồng thì may ra mới có người hỏi mua. Thế đủ biết là nghề mạt như thế nào. Thức nhiều, dầm nước nên giờ mắt mờ, chân tay yếu lắm, nhưng không làm được gì khác nên chúng tôi vẫn phải bám lấy dãy cọc dừa mưu sinh", chị Tha tâm sự.