1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nghề "ăn phù sa" đếm từng ngày ngóng mùa "lộc trời ban"

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Khi dòng sông chuyển đỏ cũng là thời khắc báo hiệu mùa nước nổi cuốn theo tôm cá sắp đổ về. Khắp những cánh đồng, người miền Tây đã chuẩn bị sẵn sàng ngư cụ đón chờ "lộc trời" tràn về.

"Cầu mong năm nay đừng mất con nước lớn"

Cuối tháng 7 âm lịch, thượng nguồn đã bắt đầu mưa lớn. Sông Cửu Long đã nhuộm đỏ phù sa nhưng con nước vẫn chưa dâng nhiều. Con nước lớn mới chỉ vừa kịp vượt qua biên giới, làm ngập nhẹ những cánh đồng đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp, Long An.

Nghề ăn phù sa đếm từng ngày ngóng mùa lộc trời ban  - 1

Những cánh đồng sát biên giới đã bắt đầu ngập băng trong nước lũ (Ảnh: Nguyễn Cường).

Để đón con nước về, những người làm nghề cá khắp đồng bằng đã sửa sang ngư cụ. Đó, đăng, lừ, dớn… đều đã sẵn sàng. Trên những cánh đồng đã ngập và sẽ ngập, người dân đã bố trí sẵn ngư cụ để chuẩn bị chờ cá tôm từ thượng nguồn di chuyển xuống.

Những cánh đồng sát biên giới thuộc xã Phú Hữu (An Phú, An Giang) với mặt phía Nam là đầu nguồn sông Hậu, mặt phía Bắc chỉ cách đầu nguồn sông Tiền chừng 5km trở thành một trong những nơi đầu tiên con nước "bò" vào chân ruộng.

Con nước nổi chậm rãi, những góc ruộng cao vẫn chưa ngập hẳn, những đàn trâu đang gặm cỏ một cách gấp gáp trước khi phải lên bờ.

Chị Vui (35 tuổi) có nhà nằm cạnh đường tuần tra biên giới cho biết, đồng ruộng ở đây người dân chỉ làm mỗi năm 2 vụ, trồng lúa, trồng ớt, trồng đậu bắp hay bông điên điển. Vụ còn lại mọi người bỏ ruộng hoang để "ăn phù sa".

Nghề ăn phù sa đếm từng ngày ngóng mùa lộc trời ban  - 2

Cùng theo cha ra đồng (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Mới ngập nên cá tôm chưa có nhiều, chỉ mới có cá linh non bằng đầu đũa. Cứ đặt dớn sẵn ra, được bao nhiêu ăn bấy nhiêu. 2 năm nay nước không về lớn nên cá cũng không nhiều, nhưng cứ đến mùa là nhà tôi lại đặt dớn. Nghề "ăn phù sa" bao đời quen rồi, không bỏ được", chị Vui chia sẻ.

Ngược con nước về xã Khánh An (An Phú), nơi dòng sông Hậu bắt đầu "bẻ cua" sát đường biên để vào đất Việt, những bãi đất 2 bờ đã ngập chừng nửa mét. Thế nhưng cá tôm chưa về. Chợ thủy sản Khánh An vẫn chưa nhộn nhịp. Có chăng chỉ vài người lâu lâu lại mang ra một rổ cá linh non, bán vội rồi đi vội.

Làng nghề khô cá ở Khánh An nằm ngay trên khúc cua của con sông, cũng là một trong những điểm làm khô cá nổi tiếng cả miền Tây vẫn đang cảnh vắng lặng. Các chủ vựa đã chuẩn bị sẵn sân phơi nhưng theo dự đoán, phải hơn một tháng nữa dòng "lũ cá" mới về.

Nghề ăn phù sa đếm từng ngày ngóng mùa lộc trời ban  - 3

Dòng nước đỏ cuốn theo tôm cá từ bên kia biên giới về hạ du, bờ sông cũng vì thế trở nên nhộn nhịp (Ảnh: Nguyễn Cường).

Chị Kiều (31 tuổi), chủ một vựa cá khô ở Khánh An cho biết, trước đây cả ấp đều làm nghề khô cá, cứ vào mùa nước nổi, cá khắp Long An, Đồng Tháp, An Giang đều theo thuyền đổ về đây. Thế nhưng sau 2 năm không có nước lớn, nhiều chủ vựa đã dỡ dàn phơi, chuyển sang làm việc khác.

"Nước vẫn còn thấp lắm, phải dâng thêm gần 2m nữa mới là chính nước. Mong năm nay không mất con nước lớn như 2 năm rồi. Bây giờ chưa có cá. Chừng nửa tháng nữa sẽ đến vụ cá trứng, hơn một tháng nữa mới vào vụ cá khô. Mấy năm nay cá ít về nên giờ cả ấp chỉ còn mấy nhà giữ lại bãi phơi thôi", chị Kiều nói.

Những gia đình đói no theo con nước

Trên những dòng sông miền Tây, có hàng trăm gia đình ngư dân sống trên ghe, đói no theo con nước. Vợ chồng anh Tâm Em (40 tuổi) có hộ khẩu ở Cần Thơ nhưng lênh đênh theo con nước sông Hậu từ thượng nguồn Châu Đốc đến cửa biển Trần Đề.

Anh Tâm Em cho biết, với 40 cái lừ (lờ) để bẫy cá tôm, mùa khô, nước trong thì mỗi đêm anh kiếm được khoảng 200 nghìn đồng, về mùa mưa, nước đục thì thu nhập gấp đôi.

Nghề ăn phù sa đếm từng ngày ngóng mùa lộc trời ban  - 4

Ngư dân vui mừng khi con nước sắp về (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Mùa này tuy nước chưa lớn nhưng cá tôm đã nhiều hơn, nước cạn thì đặt, rồi lại chờ con nước cạn để vớt. Cứ đặt dọc theo bờ sông, đoạn nào có người đặt rồi thì mình đi chỗ khác. Trên sông chỉ cần nhìn là biết đã có người đặt lừ (lờ) hay chưa, cùng nghề nên chỉ giúp nhau, nhìn nhau mà làm chứ chẳng ai lấy trộm của ai hay hại nhau làm gì cả", anh Tâm Em chia sẻ.

Nhánh sông Ba Lai thuộc đoạn cuối sông Tiền ở Giồng Trôm (Bến Tre) mới chỉ thấy màu nước có sự thay đổi, mực nước vẫn giữ nguyên. Dù vậy, lớp lớp những cọc đóng đáy đã được căng ngang sông lớn, chỉ cần phù sa về là cá tôm cũng về, mặt sông cũng nhộn nhịp hơn.

Ông Ổi (51 tuổi, ngụ huyện Giồng Trôm) cho biết, cả đời ông đã sống trên sông, mưu sinh, nuôi vợ con bằng nghề đặt lừ bẫy tôm. Con nước lớn, cả nhà ông Ổi có bữa cơm đủ đầy, con nước ròng thì đành có gì ăn nấy.

Nghề ăn phù sa đếm từng ngày ngóng mùa lộc trời ban  - 5

Mới đầu mùa nước nên cá tôm chưa nhiều, chưa lớn (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Sống với nghề sông nước nên ai cũng mong mùa nước nổi. Con nước về đưa cá tôm về. Mấy năm rồi miền Tây mất đi mùa lũ, ngư dân cũng vì thế mà mất thu nhập, nhưng nghề gắn với mình cả đời rồi không bỏ được", ông Ổi cười hiền.