1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nghề điều dưỡng “mồ hôi đổ nhiều thu nhập chẳng bao nhiêu”

Vân Sơn

(Dân trí) - Là một trong những "người gác cổng" sinh tử trong lĩnh vực y tế, nghề điều dưỡng khá vất vả và nhọc nhằn. Dù gánh nặng cơm áo đè nặng, họ luôn yêu nghề và cống hiến hết mình.

“Cô chọn gia đình hay chọn công việc?” câu hỏi của người chồng như mũi kim chích vào "vết thương lòng" của chị Thục Uyên (TPHCM).

Mâu thuẫn vợ chồng căng thẳng khi đứa con gái mới hơn 3 tuổi của Thục Quyên lên cơn sốt cao, quấy khóc đòi mẹ. Anh Quân, chồng chị, nửa đêm gọi điện hối thúc vợ về. Nhưng đang trong ca trực, người mẹ trẻ không thể bỏ nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân. 

Nghề điều dưỡng “mồ hôi đổ nhiều thu nhập chẳng bao nhiêu” - 1
Thường xuyên phải trực đêm và xoay tua liên tục là nỗi ám ảnh của nhiều điều dưỡng nữ

“Chồng em làm kinh doanh nên cuộc sống gia đình khá thoải mái về tiền bạc. Nhiều lần anh nói em đi làm công việc điều dưỡng thu nhập ba cọc ba đồng chẳng đủ mua son phấn. Anh khuyên em ở nhà chăm sóc con, kinh tế gia đình đã có anh lo. Nhưng em không nghe phần vì không muốn lệ thuộc vào tài chính của chồng, phần vì yêu công việc mà mình đã chọn nhưng mỗi lúc mâu thuẫn gia đình càng căng thẳng” - chị Thục Uyên chia sẻ. 

Chị thường phải trực đêm, về nhà thì mệt rã rời nên không chăm sóc được chu đáo cho con. Nhiều đêm đi làm về thấy con bơ vơ mà lòng đau nhói, chị Thục Uyên đang cân nhắc tìm kiếm công việc khác

Một nữ điều dưỡng khác là chị L.P.K. (TPHCM) đã có gần 20 năm kinh nghiệm trong nghề.

Chị L.P.K xót xa tâm sự: “Tôi ra trường khi học xong trung cấp, xin được việc làm lúc đó lượng hơn 2 triệu đồng, nỗ lực lắm mới trụ lại được với nghề, gần đây lại phải học lên Cao đẳng theo chuẩn trình độ của quy định mới. Thu nhập thì tăng theo thâm niên trong công việc”. 

Đến nay, mỗi tháng chị nhận mức thu nhập hơn 10 triệu đồng. Nhưng những gì chị và các đồng nghiệp đang nỗ lực làm việc thì quá sức chịu đựng của một người bình thường

Nghề điều dưỡng “mồ hôi đổ nhiều thu nhập chẳng bao nhiêu” - 2
Điều dưỡng luôn đóng góp hơn 50% vào thành công trong điều trị cho ca bệnh nhưng họ thường bị chính bác sĩ và người bệnh xem nhẹ

Chị ngậm ngùi: “Một số bác sĩ họ xem chúng tôi như người giúp việc của họ chứ không phải là một người điều dưỡng với vị trí cụ thể trong chuyên môn. Nhưng sợ nhất là những lúc đối mặt với bệnh nhân và những thân nhân dữ tợn. Một đồng nghiệp trẻ của tôi hôm qua vừa ôm mặt khóc tức tưởi khi bị người nhà bệnh nhân chỉ vào mặt mắng xối xả vì chưa kịp thay băng cho cha anh ta”. 

“Một điều dưỡng thường phải chăm sóc nhiều bệnh nhân đặc biệt trong ca trực đêm số bệnh nhân phải gánh có khi là cả phòng bệnh. Đa số điều dưỡng là nữ nhưng phải nâng đỡ nhiều bệnh nhân to cao lại phải đi lại liên tục khiến ai cũng có vấn đề về xương khớp” - Chị P.K. thẳng thắn chia sẻ nhưng ngại đụng chạm nên không đồng ý nêu tên và đơn vị công tác.   

Theo lời chị P.K, chỉ cần không hài lòng, những bệnh nhân khó tính sẵn sàng trút cơn thịnh nộ của sự đau đớn lên điều dưỡng bất kỳ lúc nào. Nhiều điều dưỡng đã rơi vào trầm cảm, khủng hoảng tâm lý vì không chịu nổi áp lực.

Công việc liên tục xoay 3 ca 4 kíp khiến cơ thể chị không kịp thích nghi. Thậm chí, chuyện điều dưỡng nữ bị rối loạn chu kỳ kinh nguyệt thì gần như ai cũng phải đối mặt và chịu đựng.

Nghề điều dưỡng “mồ hôi đổ nhiều thu nhập chẳng bao nhiêu” - 3
Từ tuyến đầu phòng chống các loại bệnh nguy hiểm đến phòng mổ hay chăm sóc giảm nhẹ... đều có bóng dáng và công sức của người điều dưỡng

Mức lương của mỗi điều dưỡng hiện nay trung bình giao động trong khoảng từ 4 đến 8 triệu đồng tùy đơn vị công tác và thâm niên. Trong khi vật giá leo thang thì khoản thu nhập trên không đủ sống. Nhiều người phải tranh thủ sau giờ làm đi “chạy sô” ở các phòng mạch tư kiếm thêm thu nhập.

Những người mới ra trường phải đối mặt với áp lực công việc ở bệnh viện công thường có xu hướng bỏ nghề hoặc chuyển sang làm việc trong các cơ sở y tế tư nhân với thu nhập cao, việc nhẹ, ít rủi ro.

Phân tích về những thách thức của lĩnh vực điều dưỡng, Tiến sĩ - Điều dưỡng Trần Thị Châu, Phó chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam cho rằng: "Người điều dưỡng chiếm hơn một nửa số nhân viên y tế, họ cũng đóng góp hơn 50% tỷ lệ thành công trong cứu chữa người bệnh. Tuy nhiên, vị thế và thu nhập của điều dưỡng chưa tương xứng với công sức và áp lực trong công việc của họ". 

Ngành y tế cần phải có chiến lược phát triển đào tạo, bảo đảm nguồn nhân lực và tăng cường thêm lực lượng điều dưỡng trên số giường bệnh thực kê tại các cơ sở y tế.

Nghề điều dưỡng “mồ hôi đổ nhiều thu nhập chẳng bao nhiêu” - 4
Những công việc thầm lặng của người điều dưỡng cần được xã hội nhìn nhận, trân quý để tiếp thêm lửa nghề cho họ

Bà cho rằng, để giúp người điều dưỡng có thể sống được với nghề đã chọn, cần phải có giải pháp cải thiện thu nhập, tạo môi trường làm việc công bằng, an toàn, có cơ hội tiến thân đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo tại cơ sở y tế.

"Hợp tác quốc tế trong đào tạo và tăng cường trao đổi chuyên môn, tạo cơ hội việc làm cũng cần được đẩy mạnh để nâng cao tay nghề, vị thế và thu nhập của điều dưỡng Việt Nam so với các quốc gia khác" - Tiến sĩ - Điều dưỡng Trần Thị Châu nói.