Nghề "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" kiếm 300 nghìn mỗi ngày
(Dân trí) - Những ngày này, trên khắp các cánh đồng ở Nghệ An, người dân đang tích cực xuống giống vụ Đông Xuân. Đây cũng là thời điểm, thợ cấy thuê hoạt động nhộn nhịp.
Những ngày này, tại Nghệ An trời rất lạnh, nhiệt độ trung bình từ 15 -20⁰C. Trên các cánh đồng, người dân đang tranh thủ gieo cấy lúa Đông Xuân 2022 cho kịp thời vụ, để hoàn thành công việc trước Tết Nguyên đán Nhâm dần.
7h sáng, cơn mưa phùn kèm gió bấc làm cho cái rét thêm cắt da cắt thịt. Dưới cánh đồng ở xóm Đông Nam, xã Quang Thành, huyện Yên Thành, nhiều nhóm thợ đang chuẩn bị xuống ruộng cấy lúa. Họ là những người ở nơi khác được chủ ruộng thuê từ trước.
Năm nào cũng vậy, cứ bắt đầu mùa gieo cấy, bà Nguyễn Thị Mai (52 tuổi, trú ở xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành) lại lập tổ để đi cấy lúa thuê. Đây là nghề thời vụ nên mọi người tranh thủ nắm bắt để kiếm thêm thu nhập.
Nhìn đôi tay nhăn nheo, khuôn mặt bơ phờ của bà Mai có thể nhận thấy đây là công việc không hề đơn giản. Cả ngày phải "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", người thợ cấy được trả công 300.000 đồng.
Bà Mai cho rằng, công việc này đòi hỏi nhiều yếu tố, trước hết là phải chăm chỉ, chịu khó, dẻo dai. Đặc biệt, người mắc bệnh xương khớp không thể làm được nghề này.
"Vất vả lắm. Hôm nay lạnh quá nên tôi phải mang theo chậu lửa để trên bờ lâu lâu nghỉ giải lao thì hơ tay cho đỡ cóng", bà Mai chia sẻ thêm.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tháng 4/2021, vợ chồng chị Trần Thị Giang (37 tuổi, trú tại xã Nhân Thành, huyện Yên Thành) từ bỏ công việc công ty ở Đồng Nai về quê. Công việc bấp bênh, hàng ngày chồng đi phụ hồ, thả lươn, còn chị tranh thủ mùa vụ đi cấy thuê.
"Cả gia đình 5 miệng ăn nhưng thu nhập không có, bây giờ được các chị em gọi đi cấy thuê kiếm tiền là một cơ hội tốt lắm rồi. Nếu làm hết vụ (khoảng 15 ngày), tôi sẽ kiếm được 4 - 5 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng cũng đủ trang trải cho cái Tết đang đến gần", chị Giang chia sẻ.
Theo bà Phan Thị Hồng (57 tuổi, trú ở xã Bắc Thành, huyện Yên Thành), gia đình làm gần 8 sào ruộng nên phải thuê người cấy cho kịp thời vụ, mỗi ngày trả tiền công 300 nghìn đồng/người mà vẫn khó thuê được thợ. Đầu mùa bà phải nhờ người quen gọi điện "đặt hàng" trước vì sợ chậm tiến độ, ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch.
Nhiều người làm việc này cho biết, công việc cấy thuê đòi hỏi người lao động phải có sức khỏe. Cả ngày "chân lấm tay bùn", nhiều hôm đứng bại cả gối, đêm về nhức không ngủ được, xong mỗi mùa vụ là lưng lại tái phát cảnh đau ê ẩm.
Ngoài ra, với thợ cấy, một khi đã nhận việc thì phải làm cho chỉn chu, cấy đẹp, cấy nhanh... mới được chủ ruộng thuê tiếp những ngày sau, có khi còn được thưởng thêm tiền.
Theo ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, khác với vụ Hè Thu, vụ Đông Xuân, người dân phải gấp gáp gieo cấy cho kịp tiến độ. Mùa gieo cấy diễn ra chỉ khoảng 10-15 ngày, phải tranh thủ thời gian này cấy để cây lúa phát triển tốt, tránh sâu bệnh, năng suất được cao hơn…
"Trên địa bàn, dịch vụ cấy thuê đã không còn xa lạ nữa. Số lao động làm dịch vụ này cũng khá đông. Đây là một công việc khá vất vả nhưng trong thời điểm dịch bệnh như thế này, có công ăn việc làm kiếm thêm thu nhập là tín hiệu tốt", ông Dương cho biết thêm.
Ra khỏi nhà từ sáng sớm và trở về nhà khi trời đã nhá nhem, công việc của những lao động cấy thuê vất vả, mệt nhọc, quần quật giữa giá lạnh mùa đông với mong muốn có thêm ít thu nhập chuẩn bị cho cái Tết sắp đến.