Nghệ An: Gần 2.000 lao động bị ảnh hưởng vì việc tạm dừng XKLĐ đi Hàn Quốc
(Dân trí) - Trong số 40 quận, huyện của cả nước bị tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, tỉnh Nghệ An có tới 9 huyện/thị. Điều này đã ảnh hưởng đến gần 2.000 lao động Nghệ An đã nộp hồ sơ đi XKLĐ tại Hàn Quốc trong năm 2019.
Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành Công văn số 1684/LĐTBXH-QLLĐNN thông báo tới các tỉnh, thành phố danh sách các địa phương bị tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS năm 2019.
Danh sách vừa được công bố, toàn quốc có tới 40 quận/huyện thuộc 10 tỉnh/thành thuộc diện bị tạm dừng tuyển chọn. Nghệ An là tỉnh đứng đầu danh sách với 9 huyện/thanh bị dừng. Nguyên nhân, đây là các địa phương có tỉ lệ người lao động hết hạn hợp đồng XKLĐ tại Hàn Quốc nhưng bỏ trốn ra ngoài, không về nước theo đúng thời hạn.
Thống kê của ngành chức năng trong tỉnh Nghệ An cho thấy, 9 địa phương này có tới 1.661 lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tính đến ngày 31/1/2019, trong đó có những địa phương tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước (từ 1/1/2018 đến 31/1/2019) chiếm tới từ 50-58% như huyện Nghi Lộc, Cửa Lò, Nam Đàn, Thanh Chương, Diễn Châu.
Được biết, năm 2019, Nghệ An tiếp nhận khoảng 2.000 hồ sơ để lao động xuất khẩu tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, số lao động này sẽ gặp khó do phía Hàn Quốc thông báo dừng tiếp nhận lao động thuộc 9 huyện/thị nói trên.
Xuất khẩu sang Hàn Quốc là nguồn thu ngoại tệ không nhỏ đối với tỉnh Nghệ An.
Ngoài 9 huyện/thành nằm trong danh sách bị tạm dừng tuyển chọn lao động nói trên, theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc ký với Chính phủ Việt Nam, Nghệ An có 4 huyện nghèo và 2 xã bãi ngang thuộc thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu vẫn được phía bạn tiếp nhận sang làm nông nghiệp, ngư nghiệp và lao động chất lượng cao.
Năm 2018, Nghệ An có 10 huyện/thành bị dừng tuyển chọn lao động đi XKLĐ tại Hàn Quốc. Nhờ quyết liệt trong việc đưa lao động về nước đúng thời hạn, năm 2018 huyện Tân Kỳ là địa phương duy nhất của tỉnh Nghệ An được “dỡ lệnh cấm vận” đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc.
Trước tình trạng người lao động bỏ trốn, không về nước đúng thời hạn, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An đã kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An giao trách nhiệm cho Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị trong việc thực hiện các giải pháp, biện pháp nhằm giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp của địa phương.
Đồng thời, Sở cũng đề nghị đưa tỉ lệ người lao động ở lại và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc xuống dưới 30% vào tiêu chí xếp loại thi đua cuối năm đối với UBND các huyện, thành, thị.
Hoàng Lam