1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bình Dương:

Ngành dệt may đối diện khó khăn, thách thức lớn

Phạm Diện

(Dân trí) - Bà Phạm Thị Xuân Trang, Chủ tịch hiệp hội dệt may Bình Dương, cho biết, ngành dệt may của tỉnh đang rất khó khăn, doanh thu giảm, kinh doanh thua lỗ nhưng chưa có doanh nghiệp nào phải đóng cửa.

Ngày 21/9, sự kiện quốc tế thiết bị, công nghệ in thêu, sản phẩm và nguyên phụ liệu dệt may tại Việt Nam - Itcpe Việt Nam Texprint 2023 diễn ra tại Trung tâm triển lãm quốc tế WTC EXPO (Bình Dương). 

Chuỗi sự kiện kéo dài 3 ngày, từ 21-23/9. Đây là sự kiện quốc tế chuyên ngành lần đầu tiên về lĩnh vực dệt may được tổ chức tại Bình Dương.

Tại đây, có đến 200 gian hàng giới thiệu về các sản phẩm, công nghệ tiên tiến nhất cho ngành công nghiệp in thêu, gia công trang phục, sản xuất vải... Các doanh nghiệp trong nước và quốc tế có cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hợp tác.

Ngành dệt may đối diện khó khăn, thách thức lớn - 1

Lãnh đạo Sở Công thương Bình Dương lắng nghe chia sẻ về sự hiện đại của máy móc trong ngành dệt may (Ảnh: Phạm Diện).

Sự kiện giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường, tiếp cận với công nghệ sản xuất và nguồn nguyên phụ liệu mới. Với trình độ công nghệ như hiện nay, máy móc hiện đại sẽ giúp doanh nghiệp có thể giảm nhân công nhưng vẫn đảm bảo năng suất.

Bà Phạm Thị Xuân Trang, Chủ tịch hiệp hội dệt may Bình Dương, cho biết, sự kiện lần đầu tiên diễn ra tại Bình Dương là cơ hội để các doanh nghiệp dệt may của tỉnh và các địa phương lân cận có cơ hội được tiếp xúc với công nghệ mới, hội nhập. Qua đó, với công nghệ tiên tiến, ngành may mặc sẽ đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.

Ngành dệt may đối diện khó khăn, thách thức lớn - 2

200 gian hàng với những thiết bị, máy móc hiện đại được giới thiệu đến các doanh nghiệp (Ảnh: Phạm Diện).

Hiện tại, không chỉ ở Bình Dương mà ngành dệt may cả nước đều đang rất khó khăn, đơn hàng trong quý 3 không đáp ứng được kì vọng, hy vọng trong quý 4 tình hình sẽ khởi sắc và sẽ mở ra hướng mới trong năm 2024.

Mặc dù gặp khó khăn, doanh thu giảm, sản xuất kinh doanh có tháng bị lỗ nhưng chưa có doanh nghiệp nào trong hiệp hội dệt may Bình Dương phải đóng cửa.

Theo bà Trang, mặc dù tình trạng đơn hàng giảm nhưng ngành dệt may vẫn khát lao động. 

Ngành dệt may đối diện khó khăn, thách thức lớn - 3

Ngành dệt may của Bình Dương đang gặp khó khăn khiến người lao động bỏ việc (Ảnh minh họa: Phạm Diện).

"Vì người lao động nghỉ việc nhiều sau thời gian chờ đợi dài nên lúc có đơn hàng  lại không có công nhân để đáp ứng. Vì vậy, ngành dệt may vẫn trong tình trạng thiếu lao động", bà Trang nói.

Thực tế, các doanh nghiệp cũng đang rất đau đầu và chưa có giải pháp để khắc phục tình trạng người lao động bỏ việc. Kỳ vọng lúc này là 3 tháng cuối năm có thêm đơn hàng, đảm bảo công việc, tiền lương để giữ được chân người lao động.