Lao động dệt may, da giày, điện tử làm thêm tối đa 300 giờ/năm
(Dân trí) - Trường hợp tối đa áp dụng thời gian làm thêm 300 giờ với lao động thực hiện đơn đặt hàng, bị phụ thuộc vào thời điểm chủ hàng yêu cầu, gồm ngành dệt, may, da, giày, lắp ráp linh kiện điện tử…
Đây là một phần nội dung dự thảo thông tư quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc sản xuất có tính thời vụ và công việc gia công hàng theo đơn đặt hàng, đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến góp ý.
Nếu được phê duyệt, thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Đối tượng điều chỉnh của dự thảo thông tư hướng tới người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng và hợp đồng lao động không xác định thời hạn làm công việc.
Theo đó, ngoài lĩnh vực dệt, may, da, giày, lắp ráp linh kiện điện tử như đa nêu trên, dự thảo thông tư còn quy định một số lĩnh vực có số giờ làm thêm là 300 giờ/năm, gồm: Lao động làm việc trong lĩnh vực sản xuất có tính thời vụ của ngành nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, đòi hỏi phải thu hoạch ngay hoặc sau khi thu hoạch phải chế biến ngay không để lâu dài được.
Dự thảo thông tư còn đưa ra mức giới hạn giờ làm việc tiêu chuẩn hằng ngày. Cụ thể, số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một ngày không quá 12 giờ. Trường hợp người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 9 giờ.
Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần không quá 72 giờ. Trường hợp đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 54 giờ.
Trong tháng, số giờ làm thêm được quy định không quá 40 giờ. Trường hợp đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 30 giờ.
Về thời giờ nghỉ ngơi, dự thảo quy định, hằng tuần, người lao động được nghỉ ít nhất một ngày (24 giờ liên tục).
Trong những tháng thời vụ hoặc phải gấp rút gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng, nếu không thực hiện được nghỉ hằng tuần thì phải bảo đảm hằng tháng có ít nhất 4 ngày nghỉ cho người lao động.
Nếu người lao động làm việc trong ngày từ 10 giờ trở lên thì người sử dụng lao động phải bố trí cho họ được nghỉ thêm ít nhất 30 phút tính vào giờ làm việc, ngoài thời giờ nghỉ ngơi trong ca làm việc bình thường.
Dự thảo cũng nêu rõ, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ hằng năm và các ngày nghỉ có hưởng lương khác; quyết định việc nghỉ không hưởng lương đúng theo quy định của Bộ luật Lao động.
Hoàng Mạnh