Công nghệ không dễ giành mất việc lao động dệt may

Lao động ngành dệt may không nằm ngoài xu thế tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong khoảng 10 năm tới, nhưng tác động chủ yếu diễn ra ở những khâu dễ thay thế bằng máy móc.

Đầu tư công nghệ để tăng năng suất

Cách mạng công nghiệp 4.0 được nhận định mang đến những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam. 3 năm trước, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) từng đưa ra một báo cáo “giật mình” khi cho rằng, 85% lao động dệt may tại Việt Nam, tức là khoảng 1,7 triệu lao động dệt may nói riêng và khoảng 3 triệu lao động trong ngành công nghiệp nhẹ như dệt may, da giày nói chung, có nguy cơ bị mất việc.

Tuy nhiên, từ thực tế nhận diện tác động của 4.0 sau 3 năm và các bước đi để tiếp cận công nghệ 4.0 với ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) khẳng định, khả năng 85% lao động dệt may bị ảnh hưởng chưa xảy ra trong thập kỷ tới. 

Công nghệ không dễ giành mất việc lao động dệt may - 1
Công nghệ không dễ giành mất việc lao động dệt may.

Năm 2018, ngành dệt may Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về quy mô xuất khẩu, kim ngạch đạt trên 36 tỷ USD, chỉ sau Trung Quốc, đứng thứ 4 về quy mô sản xuất dệt may toàn cầu nhờ tận dụng lợi thế lao động dồi dào, có kỹ năng và tay nghề cùng vị trí địa lý thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài.

Nhưng, trong thời gian tới, ngành dệt may sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, lợi thế về lao động dồi dào và chi phí lao động thấp sẽ không còn.

Vừa qua, Vinatex đã làm một cuộc khảo sát đối với hơn 300 doanh nghiệp dệt may trên khắp cả nước. Các doanh nghiệp được khảo sát chia thành 4 nhóm ngành: doanh nghiệp sợi (28,5%); doanh nghiệp dệt (15,4%), doanh nghiệp nhuộm (18,7%) và doanh nghiệp may (37,4%).

Kết quả cho thấy, nếu xét trên thang điểm 5 về độ sẵn sàng và mức độ công nghệ phù hợp nhất với cách mạng công nghiệp 4.0 thì các doanh nghiệp dệt may Việt Nam được khảo sát hiện chỉ ở mức điểm trung bình 2,59 điểm trên thang điểm 5 của khảo sát, trong đó nhóm ngành sợi có mức độ hiện đại hoá cao nhất với 3,02 điểm; ngành may với 2,85 điểm; ngành dệt đang ở mức thấp nhất với 2,05 điểm.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên (Hugaco) cho hay, đầu tư cho công nghệ tại doanh nghiệp của ông hiện chiếm khoảng 20% vốn điều lệ, mỗi năm Hugaco bỏ ra từ 20-30 tỷ đồng đầu tư công nghệ.

Điều này giúp các khâu cắt, trải đã được tự động hóa, các máy chần, máy may chương trình đã được đưa vào áp dụng tương đối nhiều, giúp giải quyết khâu tăng năng suất lao động cho doanh nghiệp.

“Công nghệ được đầu tư hàng năm khá lớn, nhưng không phải để giảm lao động, mà để tăng năng suất. Bởi vậy, sẽ không có chuyện 85% lao động ngành may mất việc. Ngành may hiện tự động hóa được 20 - 25%, nếu có tự động hóa nữa cũng chỉ thêm 15% là hết, nên lao động không phải lo tự động hóa “cướp” mất việc”, ông Dương khẳng định.

Sản xuất sợi và nhuộm - khu vực lao động dễ bị công nghệ thay thế

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), những khu vực sản xuất có tần suất áp dụng công nghệ để thay thế con người nhiều nhất là lĩnh vực sản xuất sợi và nhuộm. Ngành may thì khả năng công nghệ thay thế con người thấp nhất.

Cụ thể, công nghệ áp dụng trong sản xuất sợi giảm 70% lao động, các nhà máy ứng dụng mô hình công nghệ mới đã có ở Việt Nam.

“Nếu trước đây, để sản xuất 1 vạn cọc sợi cần 100 người, thì bây giờ chỉ cần 25-30 người. Rào cản về mức vốn đầu tư chỉ cao hơn 35%, nhưng về lâu dài doanh nghiệp sẽ thu hồi được vốn đầu tư thông qua giảm chi phí lao động (chi phí tiền lương) bù lại phần tăng khấu hao. Chính vì vậy, đầu tư cho ngành sợi sẽ ưu tiên chọn công nghệ mới”, ông Trường nói.

Mảng dệt nhuộm chỉ giảm khoảng 30% lao động, nhưng giảm sử dụng nước, tiêu hao năng lượng lên tới 50%.

Thông tin thêm về khả năng ảnh hưởng của  ngành may, lãnh đạo Vitas cho rằng, hiện tại chưa có mô hình nhà máy nào hoàn toàn rô bốt, bởi rô bốt chỉ làm được những mẫu mã không thay đổi, còn nếu mẫu mã thay đổi phải lập trình lại.

Chính vì vậy, những dự báo rô bốt có thể thay thế lao động có thể diễn ra trong ngành sợi, dệt, nhưng ngành thời trang may mặc với 95% lao động chưa thể thay thế được.

Việc tăng năng suất và tự động hóa các khâu khó trong sản xuất chỉ làm giảm nhu cầu về lao động giản đơn trong ngành may khoảng 15%, giảm ở khâu trải vải do đã được thay thế bằng máy, cắt bằng lazer, định vị trên máy tính.

Dù vậy, về dài hạn, ngành dệt may Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức như lợi thế về lao động dồi dào và chi phí lao động thấp sẽ không còn.

Đến giai đoạn 2030, Việt Nam sẽ qua thời kỳ dân số vàng, chi phí tiền lương bình quân khoảng 2.739 USD/lao động/năm (cao gấp đôi so với Bangladesh, Myanmar...) và còn tiếp tục tăng.

Theo Thế Hải/Báo Đầu tư