“Ngậm quả đắng” vì chấp nhận để chủ doanh nghiệp trả BHXH vào lương
Chủ doanh nghiệp (DN) trốn đóng hoặc không tham gia BHXH cho NLĐ, song để trấn an NLĐ, chủ DN cho biết, sẽ trả BHXH vào lương CN. Khi thấy tiền lương tăng lên vài chục, hoặc vài trăm ngàn, NLĐ đã dễ dàng chấp nhận mà không biết rằng sẽ chịu nhiều thiệt hại về sau.
“Sắp sinh con mà chẳng có đồng nào trong túi”
Những ngày này, gần 150 công nhân (CN) đang làm việc ở Cty WTJ Vina (quận 12, TPHCM) như ngồi trên đống lửa vì giám đốc người Hàn Quốc Kim Hak Cheol đã 4 lần hẹn nhưng chưa lần nào trả gần 1 tỉ đồng tiền lương cho CN.
Cty hoạt động từ đầu năm 2014, chuyển nhà xưởng từ huyện Hóc Môn sang quận 12 nhưng không ký HĐLĐ, không tham gia BHXH cho bất kỳ CN nào. Chị Lan - CN Cty - cho biết: “Khi nhà xưởng còn đặt ở Hóc Môn, Cty có trích lương của CN để tham gia BHXH, tuy nhiên, sau 4 tháng trích lương mà CN không có thẻ BHYT, ốm đau tự chịu nên kéo nhau lên hỏi giám đốc.
Sau 1 hồi giải thích, giám đốc quyết định sẽ trả hết lại phần tiền đã trích đóng BHXH của CN, sau này Cty sẽ không trích đóng BHXH nữa, CN được nhận đủ lương, CN có ốm đau gì thì Cty sẽ chi trả”. Sắp sinh con mà không có đồng nào trong túi là hoàn cảnh của chị Nhung, đang mang bầu tháng thứ 7, làm việc ở Cty WTJ được 5 tháng.
Chị Nhung cho biết, khi Cty nhận chị vào làm việc, chị đã mang bầu được 2 tháng, Cty có hẹn ký HĐLĐ, đóng BHXH nhưng rồi không thấy đâu cả. Vì cần tiền để chuẩn bị cho kỳ sinh nở sắp tới nên chị vẫn cố gắng làm việc. “Cty nợ tôi 1,5 tháng lương. Bây giờ lương không có, nghỉ sinh cũng không có BHYT, tôi không biết rồi sắp tới sẽ ra sao”, chị Nhung lo lắng.
Chỉ có doanh nghiệp được lợi!
Tương tự, nhiều tháng qua, gần 1.000 CN Cty Keo Hwa Vina (huyện Hóc Môn, TPHCM) đi gõ cửa nhiều nơi để kêu cứu đòi quyền lợi vì DN nợ BHXH kéo dài (hơn 11 tỉ đồng) khiến quyền lợi của họ bị “treo”, Cty không tham gia BHXH cho NLĐ mà trả luôn BHXH vào lương của CN.
“Với đồng lương còn thiếu trước hụt sau như hiện nay, chúng tôi không có tích lũy nên khi ốm đau rất chật vật. Nếu có BHYT thì sẽ đỡ khổ, về già có BHXH, được nhận lương hưu phần nào cũng an tâm hơn. Đằng này, DN lại trốn đóng BHXH, rồi trả luôn BHXH vào lương thì chỉ có DN được lợi. Chúng tôi không muốn cũng chẳng biết làm thế nào vì NLĐ đang ở thế bị động”, chị Ngọc - CN Cty Keo Hwa Vina - trình bày.
“Nếu NLĐ hiểu rõ những lợi ích khi tham gia BHXH, đặc biệt là khi ốm đau, bệnh tật, khi mất việc hoặc khi về hưu thì không ai chấp nhận để DN trả BHXH vào lương hàng tháng. Ở những trường hợp NLĐ chấp nhận để DN trả BHXH vào lương thì NLĐ chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không thấy thiệt hại lâu dài. Trước hết, về tỉ lệ đóng, DN trả BHXH vào lương thì DN đó chỉ trả 10,5% trên mức lương của NLĐ (phần NLĐ phải trích lương đóng BHXH) còn DN đã trốn được 22% trên lương của NLĐ (phần DN phải đóng BHXH cho NLĐ). Mà đáng lý ra, các khoản này NLĐ sẽ được hưởng khi ốm đau, nghỉ hưu…”, bà Nguyễn Thị Thu - Phó giám đốc BHXH TPHCM - cho biết.
Bà Thu cho rằng, theo Luật BHXH và Luật BHYT, NLĐ làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên đều thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT bắt buộc; không một cá nhân, đơn vị nào có quyền từ chối thực hiện. Do vậy, việc NLĐ và NSDLĐ tự thoả thuận việc đóng BHXH, BHYT như trình bày ở trên là trái pháp luật.
Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình, NLĐ có thể liên hệ với LĐLĐ quận, huyện nơi làm việc hoặc Thanh tra Sở LĐTBXH để can thiệp, có biện pháp buộc NSDLĐ phải thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc khởi kiện ra Toà theo quy định.
Theo thông tin từ BHXH TPHCM, đối với những đơn vị thực sự khó khăn trong sản xuất kinh doanh mà nợ BHXH, BHYT, để đảm bảo quyền lợi BHYT cho NLĐ, BHXH TPHCM đã có công văn số 1068/BHXH-THU ngày 16.4.2013 hướng dẫn bổ sung việc cấp thẻ BHYT cho NLĐ, cụ thể: Trường hợp đơn vị không nợ BHYT, nhưng còn nợ BHXH từ 01 tháng đến dưới 03 tháng thì được đóng trước tiền BHYT theo mệnh giá thẻ mới đến 06 tháng, để gia hạn (cấp mới) thẻ theo thời hạn tương ứng. Trường hợp còn nợ BHXH từ 03 tháng trở lên thì đóng trước tiền BHYT theo mệnh giá thẻ mới 03 tháng, để gia hạn (cấp mới) thẻ theo thời hạn tương ứng. Trường hợp đơn vị nợ cả BHYT và BHXH thì ngoài số tiền BHYT đóng trước như trên, đơn vị phải thanh toán hết toàn bộ nợ BHYT kỳ trước để gia hạn (cấp mới) thẻ BHYT
Theo Báo Lao động