Nản với nhân viên cẩu thả, làm việc kiểu nhét "nửa áo nửa quần"
(Dân trí) - Thiếu kỹ năng, thêm thái độ làm việc cẩu thả, tinh thần làm việc thiếu trách nhiệm... nhiều nhà tuyển dụng mệt mỏi với nhân sự trẻ có... "bề ngoài nhìn rất ổn".
Ê chề vì nhân viên làm cho xong việc
Chị Trần Thu Minh, chủ một quán ẩm thực cao cấp ở quận Phú Nhuận (TPHCM) đang "tăng xông" khi quán mất nhiều khách VIP vì sự cẩu thả trong việc của nhân viên.
Quán chị được thiết kế theo kiểu mới. Chị tuyển toàn nhân viên trẻ, trong đó nhiều bạn là cử nhân đại học với bảng sơ yếu lý lịch rất ổn.
Như thật thất vọng, chị bị vài phen ê chề bị khách gọi, chìa ra cái ống hút tre bên trong còn bám bã hoa quả. Nguyên nhân là nhân viên không sử dụng đồ lau chùi mà chỉ dội qua nước hay thìa nĩa, chén bát còn dính dầu mỡ.
Đó là còn chưa nói tới tác phong lề mề của nhân viên trong khi tương tác với khách.
Hay có khi, các bạn đưa chén đĩa cho khách, để đũa đầu này đầu kia, lộn ngược, không thèm để ý.
Mới đây, chị Nguyễn Ngọc Oanh, quản lý tại một chi nhánh ngân hàng đóng ở Bình Thạnh (TPHCM) cũng bực bội với cách thức làm việc của một số nhân viên trẻ mới vào, trong đó có những ứng viên tốt nghiệp bằng giỏi.
Các bạn được giao xếp tờ rơi, chương trình vào bìa giấy cứng để gửi đến khách hàng tham khảo tại sự kiện. Hoàn toàn vô tình, chị Oanh mở một tập ra xem, thấy trong bìa cứng nhiều tờ chương trình nhưng mỗi tờ quay ngược một hướng, ngược đầu nhau.
"Tôi kiểm tra nhiều tập khác, tá hỏa thấy đều có vấn đề. Những tập nhiều tờ trùng lặp, tờ khác thì không có hoặc xếp nửa trong nửa ngoài... Kiểu như mặc áo dài tay mà nhét vội nửa quần. Nhìn thấy ghê mà định đưa cho khách giới thiệu", chị Oanh bức xúc.
Trước đó, không ít lần chị Oanh nhận được file báo cáo của nhân viên đủ loại phông chữ, nhiều trang lặp lại, dòng xuống lộn xộn, sai chính tả tè le...
Chị hỏi, sao có thể gửi đi một bản báo cáo như vậy? Có bạn thản nhiên trả lời: Em gửi nhanh để đi sinh nhật nên không kịp xem lại. Chị trả lại yêu cầu sửa, góp ý thì chê quản lý khó tính.
Mới đây, anh Nguyễn Văn Bình, chủ hệ thống garage ô tô ở TPHCM phải tổ chức cuộc họp toàn bộ công ty về chuyện cẩu thả của nhân viên.
Anh nhiều phen ê chề khi trực tiếp nhận phản hồi từ khách. Xe đến bảo dưỡng, làm sạch mà khi khách nhận về còn lang lổ vết dầu mỡ trên thành, kính. Hay nội thất được xếp qua loa, gấu bông của con nhà chủ xe, nhân viên dọn rồi... hồn nhiên vụt thùng rác.
Thậm chí, có trường hợp gây nguy hiểm như tháo rời hệ thống phanh xe để bảo dưỡng nhưng khi lắp lại không bôi dầu hoặc bôi tràn ra không làm vệ sinh.
Anh Bình nổi giận vì không chỉ với vài người thợ, công việc vận hành theo dây chuyền, qua các bộ phận giám sát, bàn giao... Nhiều người cứ nghĩ làm cho hết việc, giao khách, lấy tiền là xong việc của mình.
Không ngại chuyên môn, chỉ ngại... trách nhiệm
Một sợi tóc trong đồ ăn có thể phá hủy cả thương hiệu; phanh xe lỗi có thể gây tai nạn; một ổ điện hở hay hố ga lồi lõm có thể gây chết người.... Nhiều tai nạn, sự việc trong cuộc sống bắt nguồn từ chính sự cẩu thả của người làm việc mà có khi, để tâm, để ý một chút thôi đã khác.
Các bạn trẻ ra trường có nhiều lợi thế như chuyên môn tốt, có khả năng ngoại ngữ, nắm bắt công nghệ.... Vậy nhưng tinh thần trách nhiệm, thái độ trong công việc là vấn đề rất đáng bàn.
Anh Nguyễn Văn Bình nêu cảm nhận, hiện nay không ít bạn trẻ làm việc không tập trung, cẩu thả, chỉ muốn hết giờ.
"Mỗi khi làm việc, các bạn có nghiêm khắc với bản thân, biết tự vấn mình làm như vậy đã tốt nhất chưa? Cần khắc phục gì? Có cách nào để tốt hơn được nữa không", anh Nguyễn Văn Bình.
"Nhiều bạn đi thực tập hay mới ra trường, được giao những việc như xếp tài liệu, dọn đồ là... tự ái đòi nghỉ.
Có bạn có tâm lý, mình tốt nghiệp này nọ, phải làm việc lớn, không xem trọng từng việc nhỏ. Nhưng làm gì có việc nào là nhỏ, bất cứ việc gì chúng ta hãy tận tâm, làm thật tốt đi đã", anh Bình nói.
Chị Hồ Thu Vân, quản lý tại hệ thống giáo dục tư thục ở TPHCM bày tỏ, trách nhiệm, thái độ làm việc hời hợt, cẩu thả của nhân sự trẻ ngày càng tăng thật sự làm chị rất tâm tư.
Khi tiếp nhân nhân viên mới, chị dành nhiều thời gian để trao đổi về thái độ, tác phong, trách nhiệm nghề nghiệp, danh dự của bản thân, con đường thăng tiến.... Chuyên môn giỏi hay dở có thể từ từ học hỏi.
Theo chị, có thể xuất phát từ rất nhiều yếu tố như các chọn nghề không đúng, không thể hiện vai trò của mình công việc, các em chỉ biết học không biết gì về thực tế, thiếu trách nhiệm...
"Các trường trong quá trình đào tạo cần chú ý điều này, chăm chút ngay từ đầu thì chất lượng sinh viên ra trường sẽ cao hơn, làm việc sẽ tốt hơn", chị Vân gửi gắm.
Theo các nhà tuyển dụng, tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc của nhân sự trẻ là một trong những lý do hàng đầu của nghịch lý nhiều doanh nghiệp thiếu người trầm trọng, còn sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp.
Nhiều ứng viên "rớt" ngay từ đầu hoặc mất việc làm vì cẩu thả, thiếu trách nhiệm chứ chưa phải do chuyên môn.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp, nhiều dự án khởi nghiệp... đành bỏ trống nhiều vị trí việc làm hoặc đắp chiếu vì không tuyển được nhân viên đáp ứng được nhu cầu.
Thiếu trải nghiệm thực tế
Trong chuyên đề về nhân sự trong ngành giáo dục, một chuyên viên thuộc Sở GD&ĐT TPHCM chia sẻ, hầu hết bây giờ các em là con 1, con vàng con bạc trong gia đình. Từ nhỏ các em không động tay động chân đến bất cứ việc gì, được bố mẹ, người giúp việc phục vụ tận nơi...
Đến bản thân mình còn không chăm sóc được, còn không có trách nhiệm thì rất khó để có trách nhiệm với người xung quanh. Thiếu trải nghiệm thực tế là khó khăn lớn nhất của nhân sự trẻ hiện nay.