Nạn nhân vụ "cưỡng ép" lao động ở Lâm Đồng kể về những ngày kinh hoàng
Chỉ vì tin tưởng vào nội dung của một tờ rơi quảng cáo với công việc "ổn định, nhàn hạ, lương cao", 4 thanh niên từ Quảng Trị đã tự bắt xe khách vào Lâm Đồng "nhận việc" rồi phải lao động như "khổ sai" mãi tới khi được giải thoát.
Sập bẫy
Dù đã thoát nạn, trở về nhà vào sáng 26.7, nhưng đến nay em Phạm Bá Hợp (17 tuổi, trú đội 2, thôn Như Lệ, Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) vẫn còn bàng hoàng, lo sợ. Hợp kể, em đang trong thời gian nghỉ hè và có ý định bỏ học.
Khi đọc được tờ rơi tuyển dụng lao động với mức lương 6 triệu đồng/tháng, công việc làm vườn, chăm sóc hoa đề tên Công ty cổ phần Hoa Việt (số 4 Trần Hưng Đạo, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), Hợp cùng Hồ Quang Đạt (SN 1996), Hồ Xuân Cường (SN 1987) và Võ Thanh Tú (SN 1996 - cùng trú thị xã Quảng Trị) liên lạc với số điện thoại 0987.193.884 của người tên Tuấn ghi trên tờ rơi.
Nghe Tuấn nói lời ngon ngọt, bảo rằng mức lương cao, công việc ngày 8 tiếng, bao ăn ở… nên cả 4 hết sức vui mừng. Bởi lẽ, ở Quảng Trị, một lao động bình thường muốn kiếm việc làm có mức lương như vậy không phải dễ.
14 giờ ngày 22.7, cả 4 người lên xe khách Dũng Yến do Tuấn sắp xếp vào thị trấn Nam Ban (huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng). Xuống xe lúc 9 giờ sáng 23.7, 4 người trên cùng một nam thanh niên người dân tộc Thái được đưa vào trụ sở Công ty TNHH Tâm Đức Lộc.
Tiếp đó, một nam thanh niên khoảng 35-40 tuổi tự giới thiệu là Giám đốc công ty. “Anh ta nói rằng công ty của anh ta được Bộ LĐTBXH cấp phép phối hợp với Công an tỉnh Lâm Đồng để làm việc” - Hợp kể lại.
Sau đó, cả 5 người được đưa vào phòng gặp những người chủ có nhu cầu thuê lao động để nghe phổ biến công việc, ai cảm thấy phù hợp công việc nào thì chọn công việc đó và ký hợp đồng. Còn nếu không chịu ký hợp đồng thì ngay lập tức phải nộp 1,7 triệu đồng cho công ty thì mới được về. Biết bị lừa, nhưng đã rơi vào thế bí, Hợp đành phải ký hợp đồng với chủ quán phở Thưng (địa chỉ 2/8 đường Nguyễn Văn Cừ, TP.Đà Lạt) với mức lương 3 triệu đồng/tháng.
Cường ký hợp đồng với người chủ nuôi tằm, Đạt ký hợp đồng với chủ chăn nuôi, còn Tú ký hợp đồng làm nước đá. Sau khi ký hợp đồng, cả 4 người bị tịch thu giấy tờ tùy thân, điện thoại và tiền. “Em bị tịch thu 500.000 đồng, còn anh Tú bị thu 1 triệu đồng” – Hợp kể.
Sau khi ký hợp đồng xong, Hợp bị một thanh niên khuôn mặt bặm trợn dẫn tới bà chủ quán phở Thưng với giá 2.550.000 đồng (bao gồm tiền xe ôm). Dù rất mệt mỏi nhưng Hợp vẫn phải làm việc từ lúc 2 giờ chiều 23.7.
Quá sợ hãi, Hợp mượn điện thoại của một lao động tên Nhí trong quán phở Thưng (cũng bị lừa như Hợp) gọi điện về nhà cầu cứu gia đình gửi tiền vào “chuộc”. Đến 9 giờ sáng 25.7, sau khi nộp đủ 2.550.000 đồng cho chủ quán phở này thì Hợp được trả lại giấy tờ và được tự do.
Chạy trốn
Theo Võ Thanh Tú, công việc ở công ty nước đá quá nặng nhọc nên đã xin nghỉ. Tuy nhiên, ông chủ công ty ra điều kiện phải trả đủ 2,6 triệu đồng để ông ta trả Tú lại cho Công ty TNHH Tâm Đức Lộc. Khi Tú gặp Giám đốc Công ty Tâm Đức Lộc thì bị ép phải trả 2,4 triệu đồng mới được thả. Không có tiền trả, Tú đành xin làm việc cho một ông chủ khác tên Đa. Tú tự bỏ ra 500.000 đồng, ông Đa cho Tú mượn 1,9 triệu đồng để đủ số tiền 2,4 triệu đồng nộp trả cho công ty. Đạt cũng làm việc cho ông Đa và chịu tình cảnh tương tự.
Công ty tuyển dụng lao động không có thực
Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng xác định, Công ty CP Hoa Việt không có thực tại Lâm Đồng. Địa chỉ mà công ty này ghi trên tờ rơi là trụ sở UBND tỉnh Lâm Đồng. Ông Nguyễn Đức Ngân – Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, địa chỉ số 4 Trần Hưng Đạo, TP.Đà Lạt ghi trên tờ rơi tuyển dụng lao động thực chất là trụ sở UBND tỉnh Lâm Đồng, tại thành phố này không có địa chỉ thứ 2 nào như thế. Duy Hậu
Không chịu nỗi sự bóc lột lao động nên sáng sớm ngày 26.7, Tú và Đạt băng rừng bỏ trốn lên TP.Đà Lạt rồi báo với gia đình.
Hợp may mắn trở về nhà trong vòng tay yêu thương của gia đình. Đạt và Tú tạm thời thoát khỏi “động lao”. Riêng Cường đến nay vẫn chưa rõ tung tích.
Thượng tá Nguyễn Minh Chiến – Trưởng Công an thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) cho biết, đang phối hợp với Công an TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) tiến hành xác minh thông tin 4 lao động trên bị lừa đảo. “Sự việc này cần phải điều tra thận trọng, chúng tôi đã gửi văn bản thông tin vụ việc cho Công an TP.Đà Lạt và đang chờ phản hồi” – thượng tá Chiến nói.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Hoàng Tuấn Anh - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Trị nói: “Chúng tôi sẽ tìm hiểu kỹ những thông tin lừa đảo bằng tờ rơi mà Báo NTNN nêu và sẽ có văn bản gửi về các địa phương để người dân cảnh giác". Ông Tuấn Anh cũng cho biết, sau khi làm rõ các thông tin Sở sẽ tạo mọi điều kiện để đưa các lao động nói trên về quê.
Trưa 26.7, PV gọi vào số điện thoại 0987193884 của người tên Tuấn ghi trên tờ rơi tuyển dụng. Khi PV đặt vấn đề cần việc làm thì Tuấn vẫn giở giọng ngon ngọt rằng, nếu có nhu cầu Tuấn sẽ gọi xe quen đón, bao ăn và đưa vào tận nơi làm việc chứ không thông qua môi giới nào. Nếu vào tới nơi mà không đồng ý làm việc thì chỉ cần trả tiền xe đưa đón khoảng 400.000 đồng là được về nhà.
Theo Danviet.vn