Việt Nam có tới 1,75 triệu lao động trẻ em

(Dân trí) - Việt Nam có tới 1,75 triệu lao động trẻ em, gần 85% trong số đó sống ở khu vực nông thôn và 65% làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Các em thường làm việc gia đình không lương.

Đây là số liệu về tình trạng lao động trẻ em tại Việt Nam do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mới công bố nhân Ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em 12/6.

PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Minoru Ogasawara - chuyên gia về lao động trẻ em của ILO về vấn đề này. Ông Minoru Ogasawara cho biết: "Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ LĐ-TB&XH đã có những nỗ lực đáng kể để cải thiện khung pháp lý cho phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam còn cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật để mọi người ai cũng hiểu được rõ ràng về khái niệm thế nào là lao động trẻ em".

Ông Minoru Ogasawara, chuyên gia về lao động trẻ em của ILO
Ông Minoru Ogasawara, chuyên gia về lao động trẻ em của ILO

PV: Theo quan sát của ông, trong các vùng nông thôn VN, việc chống áp dụng các hình thức lao động trẻ em có gặp sự trở ngại nào không?

Ông Minoru Ogasawara: Điều này tương tự như ở nhiều nước châu Phi, nơi tôi đã từng làm việc. Một trong những trở ngại đối với vấn đề lao động trẻ em ở khu vực nông thôn có liên quan đến các quan niệm truyền thống.

Khi các bậc cha mẹ không thấy được lợi ích, cơ hội cho trẻ để học cao hơn, họ thường có chung quan điểm là lao động có vẻ là cách sử dụng thời gian của trẻ hiệu quả nhất.

Nhất là trong bối cảnh Việt Nam, khái niệm về lao động trẻ em vẫn chưa được phổ biến trong công chúng.

Vì vậy, việc nâng cao nhận thức về lao động trẻ em ở các vùng nông thôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong công cuộc đấu tranh phòng chống lao động trẻ em ở Việt Nam.
Theo ILO, khái niệm lao động trẻ em không bao gồm tất cả các trẻ em tham gia hoạt động kinh tế. Tại Việt Nam, luật pháp cho phép trẻ em trong lứa tuổi nhất định tham ra hoạt động kinh tế trong khoảng thời gian nhất định với điều kiện không ảnh hưởng tới việc học hành, sức khỏe và sự phát triển của trẻ.


Trong tốc độ đô thị hóa và thị trường của VN hiện nay, ông đánh giá ra sao về nguy cơ lao động trẻ em đến từ tình trạng trẻ em từ các vùng nông thôn tìm đến các đô thị, khu công nghiệp tìm kiếm việc?

Đúng là tình trạng trẻ em di cư từ nông thôn lên thành thị thường dễ bị bóc lột về mặt kinh tế hơn. Bởi vì đôi lúc các em khó có thể hòa nhập với bối cảnh đô thị.

Vì vậy, cần thiết phải giảm thiểu quá trình di cư từ nông thôn lên thành thị đối với trẻ em bằng cách hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn, và cải thiện chất lượng giáo dục ở khu vực nông thôn.
Đồng thời, cơ chế thực thi pháp luật ở các vùng đô thị cần phải được thắt chặt để thanh tra hiệu quả và can thiệp kịp thời vào các ngành kinh tế có lao động trẻ em.

Việc quy chuẩn thành số giờ làm việc hay hình thức nào để phân biệt trẻ em làm việc và lao động trẻ em, thưa ông?

Số giờ làm việc để phân biệt có phải là lao động trẻ em hay không sẽ được xét theo bối cảnh từng quốc gia. Ở Việt Nam, Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định là 8 giờ một ngày và 40 giờ mỗi tuần là thời gian tối đa trẻ em trên độ tuổi lao động tối thiểu được làm việc.

Với trẻ từ 13 đến 14 tuổi, luật pháp cho phép các em làm việc không quá 4 giờ mỗi ngày và 20 giờ mỗi tuần với điều kiện công việc đó là việc làm nhẹ nhàng.
Inforgraphic của ILO về tình trạng lao động trẻ em
Inforgraphic của ILO về tình trạng lao động trẻ em tại VN

Đánh giá của ILO, nguyên nhân chính xuất hiện tình trạng lao động trẻ em tại VN là gì?

Mặc dù kinh tế Việt Nam đã và đang tăng trưởng nhanh chóng, nhưng cái nghèo vẫn là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng lao động trẻ em.

Ngoài ra, việc thiếu hiểu biết về khái niệm lao động trẻ em cũng như trình độ nhận thức còn hạn chế về lao động trẻ em cũng là những rào cản đáng kể, cần phải được rỡ bỏ.

Nhờ vào sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, những tiến bộ ấn tượng trong hệ thống giáo dục cơ vản và các nỗ lực đáng kể của Chính phủ Việt Nam do Bộ LĐ-TB&XH đi tiên phong trong công cuộc phòng chống lao động trẻ em, tình trạng lao động trẻ em tại Việt Nam đã được cải thiện một cách đáng kể.

Ví dụ, Chính phủ đã soạn thảo dự thảo Chương trình Quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, dự kiến sẽ được sớm phê duyệt.

Tình hình lao động trẻ em ở Việt Nam khá hơn nhiều so với một số quốc gia lân cận. Tuy nhiên, vẫn cần thêm nhiều nỗ lực nữa từ phía Chính phủ, người lao động, chủ sử dụng lao động và cả xã hội dân sự nhằm giữ đà cải thiện và thúc đẩy các bước tiến hơn nữa. Việc giảm thiểu lao động trẻ em cần sự can thiệp của các chính sách giáp, pháp liên tục và chặt chẽ.

Những khuyến nghị của ILO đối với tình trạng lao động trẻ em tại VN, thưa ông?

Theo điều tra Quốc gia về lao động trẻ em mới đây cho thấy, vẫn còn tới 1,75 triệu lao động trẻ em. Vì vậy, cần có những giải pháp chính sách hợp lý để giam thiểu tình trạng lao động trẻ em.

Con số này tương ứng với gần 10% số trẻ từ 5 đến 17 tuổi trên toàn quốc và trong đó 3/5 đang ở độ tuổi từ 15 đến 17. Gần 85% lao động trẻ em sống ở khu vực nông thôn và 65% làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Các em thường làm việc gia đình không lương.

Điều tra cũng chỉ ra 1/3 lao động trẻ em phải làm việc hơn 42 giờ trong một tuần.

ILO đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ VN, đặc biệt là của Bộ LĐ-TB&XH, người lao động, chủ sử dụng lao động trong đấu tranh phòng chống lao động trẻ em.

Tôi cho rằng, không một đơn vị đơn lẻ nào có thể giải quyết nổi vấn đề lao động trẻ em.

Để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, không chỉ có Bộ LĐ-TB&XH, các bộ ngành liên quan, mà cần tới sự tham gia của toàn xã hội nhằm phối hợp đồng bộ với nhau, đóng góp trên cơ sở những lợi thế của mình.

Xin cảm ơn ông!

Theo ILO, các dấu hiệu để phát hiện tình trạng lao động trẻ em:
- Việc tham gia lao động trẻ em đi liền với trình độ giáo dục thấp, sau đó dẫn đến các công việc không đáp ứng được yêu cầu căn bản về việc làm bền vững.
- Các em bỏ học sớm thường ít có cơ hội được đảm bảo việc làm ổn định và có nguy cơ cao không tìm được việc làm.
- Một tỷ lệ lớn thiếu niên từ 15 đến 17 tuổi tại nhiều quốc gia đang làm công việc bị xếp vào loại độc hại hoặc các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.
- Những em đang làm các công việc độc hại thường dễ bỏ học sớm trước khi đủ tuổi lao động tối thiểu.


Hoàng Mạnh (thực hiện)