Nấm "nhà giàu" mọc trắng vườn, nông dân đi dạo vài vòng đã thu về 3 triệu
(Dân trí) - Sau những cơn mưa đầu mùa, nông dân ở Gia Lai lại len lỏi vào những khu vườn cà phê, cao su để săn nấm mối. Nhờ "lộc trời" này, bà con kiến tiền triệu mỗi ngày.
Theo người dân ở Gia Lai, nấm mối chỉ xuất hiện 1 lần trong năm, trong khoảng 1-2 tháng, vào mùa mưa. Chính vì vậy, hàng năm, cứ bắt đầu mùa mưa, người dân liền đổ xô đi săn loại nấm đắt đỏ, được ví như "lộc trời" này.
Những ngày này, bà con huyện biên giới Đức Cơ đang tấp nập mang gùi đi hái nấm mối về bán cho thương lái. Năm nay, nấm sinh trưởng rất nhanh và mọc thành từng vạt lớn nên người dân không phải cất công đi tìm kiếm xa.
Chị Trần Thị Kim Phương (tổ 4, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) cho biết, tùy vào thời điểm hái và mức sinh trưởng, nấm có nhiều mức giá khác nhau. Nấm dù có giá khoảng 200.000 đồng/kg; nấm búp có giá 250.000 đồng/kg. Nếu ai may mắn hái được nấm đinh sẽ có giá cao khoảng 300.000-350.000 đồng/kg.
Nấm thường mọc từng vạt lớn, người dân thu hoạch mỗi lần được 4-5kg, bán được hơn 1 triệu đồng.
Từ 3h, bà con ở xã Ia Kriêng, huyện Đức cơ đã gọi nhau vào vườn cà phê, cao su để tìm nấm mối. Đây là thời gian hái nấm tốt nhất vì tai nấm chưa nở bung, giá trị dinh dưỡng cao hơn so với loại đã nở. Khi trời bắt đầu sáng, mọi người cũng kịp bán cho thương lái.
"Nghề hái nấm cũng cần kinh nghiệm, phải biết chọn những nơi ẩm ướt, cây cối um tùm là nơi nấm sinh trưởng tốt. Việc hái nấm cũng nhờ sự may mắn và kiên trì, có lúc tìm mãi không thấy, cố chút xíu lại nhìn thấy vạt nấm", chị Phương bộc bạch.
Cứ vào mùa nấm, chị Võ Thị Thư (thôn 1, xã Ia Tô, huyện Ia Grai, Gia Lai) tạm gác công việc thường ngày để đi hái nấm cùng bà con trong xóm. Vì chuyên trồng, chăm sóc cây cà phê nên chị Thư luôn biết chọn những vị trí mà nấm thường hay mọc. Nhờ vậy, có những ngày chị Thu hái được gần 10kg nấm, thu nhập 2-3 triệu đồng.
Chị Thu bộc bạch: "Hồi xưa, tôi thường đi làm cỏ cà phê và thấy nấm mối nên hái về cho gia đình nấu ăn. Những năm gần đây, thấy nấm có giá nên tôi hái về bán. Món này được khách hàng đặt nhiều nên thương lái chờ ở các cổng làng từ sáng sớm để thu mua".
Chị Trần Thị Yến (xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) chuyên thu mua nấm mối của người dân cho biết: "Nhờ mạng xã hội phát triển nên mỗi khi đến mùa nấm, khách hàng thường đặt trước. Có thời điểm, giá nấm đến 400.000 đồng/kg. Nấm là thức ăn khó bảo quản nên khi thu mua xong phải giao hàng cho khách ngay trong ngày".
Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở Gia Lai cùng làm nông nghiệp hữu cơ, xen canh với nhiều loại cây trồng để tăng năng suất kinh tế và giữ môi trường sinh thái sạch. Nhờ vậy mà các loại thực vật, nấm phát triển tốt.
Trước việc người dân đổ xô đi hái nấm, chính quyền địa phương khuyến cáo, người dân cần phân biệt các loại nấm độc và nấm ăn được. Đồng thời, định hướng người dân nên canh tác theo hướng hữu cơ để tạo điều kiện cho nấm mối mọc để bảo tồn, phát triển nguồn đặc sản của địa phương.