1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nam Định: Diêm dân mặn muối, nhạt tiền

(Dân trí) - Để có những hạt muối trắng ngần, người làm muối (diêm dân) phải lao động cần mẫn dưới ánh nắng gay gắt với những giọt mồ hôi mặn “chát chúa". Dẫu vất vả nhưng diêm dân thực sự cần nắng. Có nắng mới làm ra muối. Muối mặn nhưng đồng tiền có được từ hạt muối lại “nhạt”, không đủ nuôi sống diêm dân.

Nhìn những cánh đồng muối trắng phau ai cũng thích, nhưng có mấy ai biết được rằng để có được những hạt muối ấy những người diêm dân đã phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, phơi lưng dưới nắng hè gay gắt.

Một nữ diêm dân đang san bằng lại để dẫn nước vào sân muối
Một nữ diêm dân đang san bằng lại để dẫn nước vào sân muối

Về vùng biển xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định vào một ngày giữa tháng 6, tôi mới cảm nhận được phần nào sự nhọc nhằn của nghề làm muối của những diêm dân nơi đây.

Muối chỉ làm được vào trời nắng gắt, trung bình khoảng 5 tháng/năm vì thế nên có làm quần quật suốt 5 tháng thì những người diêm dân nơi đây vẫn không thể nào sống được nếu chỉ dựa vào thu nhập từ nghề làm muối.

Dưới cái nắng chói chang của mùa hè, những diêm dân vẫn cật lực lao động mong thu về những đồng tiền từ mồ hôi, công sức lao động của mình
Dưới cái nắng chói chang của mùa hè, những diêm dân vẫn cật lực lao động mong thu về những đồng tiền từ mồ hôi, công sức lao động của mình

Ra đồng từ khi mặt trời chưa ló rạng, lao động dưới trời nắng gay gắt, mỗi phương muối (mỗi phương muối là 20kg) hôm nào được giá cũng chỉ thu về được 20 nghìn đồng, còn hầu như chỉ được khoảng 17-18 nghìn đồng/phương muối. Tuy giá bán không cao, làm đồng phụ thuộc vào thời tiết nhưng những diêm dân nơi đây vẫn gắn bó với nghề.

Chị Nguyễn Thị Hà cho biết: Làm muối rất vất vả mà thu nhập chẳng được bao nhiêu. Có lẽ, không có nghề nào tốn công sức mà thu nhập lại thấp như nghề muối. Nếu không làm muối thì chúng tôi chẳng biết làm nghề gì nữa. Trung bình, một ngày chúng tôi chỉ thu về được khoảng 10 phương muối, tính ra là gần 200 nghìn đồng.

Những cánh đồng muối trắng toát đã đến lúc thu về của diêm dân Nam Định
Những cánh đồng muối trắng toát đã đến lúc thu về của diêm dân Nam Định

Cũng theo chị Hà, để có được những hạt muối, phải trải qua nhiều công đoạn, đầu tiên phải ngâm cát vào nước biển (nước mặn độ 1) sau đó đem cát đó phơi trên sân đất nện, khi cát khô trên từng hạt cát sẽ kết tinh những hạt muối nhỏ.

Một diêm dân đang chuẩn bị thu muối
Một diêm dân đang chuẩn bị thu muối

Dùng nước biển lọc qua cát đó sẽ được nước mặn hơn gọi là nước mặn độ 2. Lại phơi cát tiếp và dùng nước mặn độ 2 lọc qua cát đã phơi được nước mặn độ 3. Sau gần 10 tiếng, nước biển bốc hơi để lại những hạt muối tinh khiết trên nền bê tông. Lúc này, người dân thu hoạch muối rồi chở về nhà kho chứa muối, chờ ngày bán.

“Nếu như làm muối từ đầu thì phải 3 ngày sau mới có muối, nhưng từ ngày thứ 4 trở đi thì ngày nào cũng có muối do các nước độ 2, độ 3 đã được làm gối đầu từ những ngày hôm trước”.

ghề làm muối nhọc nhằn, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khi trời nắng thì diêm dân được mùa, còn bất chợt mưa muối chưa đủ độ mặn để cào thì coi như công sức của họ đổ xuống sông, xuống biển
ghề làm muối nhọc nhằn, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khi trời nắng thì diêm dân được mùa, còn bất chợt mưa muối chưa đủ độ mặn để cào thì coi như công sức của họ đổ xuống sông, xuống biển

Nghề làm muối nhọc nhằn, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khi trời nắng thì diêm dân được mùa, còn bất chợt mưa muối chưa đủ độ mặn để cào thì coi như công sức của họ đổ xuống sông, xuống biển.

Dù hạt muối không nuôi nổi chúng tôi, nhưng nhà nông lấy công làm lãi nên một số gia đình vẫn cố bám trụ lấy nghề, kiếm đồng ra đồng vào nuôi các con ăn học chứ chẳng bao giờ người ta tìm thấy có người giàu lên nhờ làm muối.

Ông Vũ Viết Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lý cho biết: “Đời sống người dân nơi đây chủ yếu gắn bó với 3 nghề chính là nghề cá, nghề làm muối và làm ruộng. Khoảng 10 năm về trước, toàn xã có khoảng 90ha muối, nghề làm muối đem lại thu nhập ổn định cho người dân, cuộc sống của bà con cũng đủ ăn, đủ mặc. Tuy nhiên, những năm gần đây toàn xã chỉ còn khoảng gần 20ha muối, do nghề làm muối nhọc nhằn, vất vả, giá bán lại thấp nên người dân đang bỏ dần nghề làm muối, chuyển đổi sang trồng các loại rau màu hoặc làm đầm nuôi trồng thủy sản”.

Đức Văn