Năm 2025: 12 triệu lượt học sinh, sinh viên tiếp cận với khởi nghiệp, tự tạo việc làm
(Dân trí) - Từ nay tới năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh và sinh viên, phấn đấu 12 triệu lượt học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được nâng cao nhận thức về khởi nghiệp và tự tạo việc làm.
Đây là một nội dung trong kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” do Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành nhằm cụ thể hoá Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.
Đối tượng hướng tới của Đề án là học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cán bộ, nhà giáo, người làm công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên phạm vi toàn quốc, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, số người học tốt nghiệp từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có khả năng chủ động tìm việc hoặc tự tạo việc làm, tỷ lệ khởi nghiệp chưa tương xứng với những cơ hội tự tạo việc làm, khởi nghiệp trong thời kỳ phát triển mới của nền kinh tế, xã hội đất nước. Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển không ngừng. Điều này đòi hỏi thế hệ trẻ nhiều kỹ năng, có tính đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp có những đột phá trong việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tạo việc làm và giá trị gia tăng đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Ngoài mục tiêu đưa 12 triệu lượt học sinh, sinh viên tiếp cận với khởi nghiệp và tự tạo việc làm, Đề án còn phấn đấu tổ chức chương trình "Ngày hội khởi nghiệp" cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với tần suất ít nhất 1 năm/1 lần. Đồng thời, việc tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn giới thiệu ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên kết nối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cũng được thực hiện ít nhất 1 hoạt động/1 năm ở từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, Đề án còn đặt chỉ tiêu tổ chức ít nhất 150 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho 7.500 lượt cán bộ, nhà giáo, người làm công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp nhằm nâng cao năng lực và hình thành đội ngũ giáo viên giảng dạy khởi nghiệp.
Tổ chức 150 lớp đào tạo, tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản về khởi nghiệp cho 15.000 lượt học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.; 100% các trường cao đẳng, 50% các trường trung cấp thành lập tổ chuyên gia tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.
Về việc xây dựng môi trường hỗ trợ khởi nghiệp, Đề án hướng tới chỉ tiêu 70% các trường cao đẳng, trung cấp có ít nhất 05 ý tưởng, dự khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ mạo hiểm.
Đồng thời, khoảng 50% các trường cao đẳng, trung cấp giáo dục nghề nghiệp hình thành các trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp hoặc các câu lạc bộ khởi nghiệp theo lĩnh vực. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường hơn trong việc phối hợp với các doanh nghiệp để hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản để hình thành các trung tâm, câu lạc bộ khởi nghiệp...
Hơn 2,2 triệu sinh viên, học sinh được đào tạo hàng năm
Theo Bộ LĐ-TB&XH, cả nước hiện có gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 397 trường cao đẳng, 519 trường trung cấp và 1.032 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Hằng năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo được khoảng 2.210.000 người, gồm: Sinh viên hệ cao đẳng khoảng 230.000 người, học sinh hệ độ trung cấp khoảng 315.000 người, trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khoảng 1.665.000 người; hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng 800.000 lao động nông thôn...
P.M