Năm 2023, TPHCM cần thêm 300.000 lao động

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Với quy mô dân số lớn và tốc độ phát triển kinh tế hiện tại, TPHCM cần thêm khoảng 300.000 lao động mới trong năm 2023 để duy trì động lực phát triển cho nền kinh tế.

Hai kịch bản về nhu cầu nhân lực

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) vừa công bố báo cáo thị trường lao động năm 2022 và dự báo nhu cầu nhân lực năm 2023 trên địa bàn thành phố.

Theo tính toán của Falmi, dân số TPHCM năm 2023 ước tính là 9,5 triệu người, trong đó lực lượng lao động là hơn 4,8 triệu người, chiếm 50,8% tổng dân số (tăng khoảng 200.000 người so với năm 2022).

Dự kiến năm 2023, GRDP của thành phố sẽ tăng từ 7,5% đến 8%. Để đạt mức tăng trưởng trên, Falmi dự báo nền kinh tế thành phố trong năm 2023 cần khoảng 4,55-4,56 triệu lao động (tăng khoảng 120.000 đến 130.000 chỗ làm việc so với năm 2022).

Năm 2023, TPHCM cần thêm 300.000 lao động - 1

TPHCM cần khoảng 280.000 đến 320.000 lao động trong năm 2023 (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Trên cơ sở kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Cục Thống kê TPHCM, Falmi dự báo thị trường lao động diễn biến theo 2 kịch bản tùy thuộc vào diễn biến của nền kinh tế.

Kịch bản thứ nhất, tăng trưởng kinh tế toàn cầu và một số nền kinh tế lớn có chiều hướng chậm lại, dẫn đến tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo dự báo cũng chững trong ngắn hạn, khi nhu cầu trên toàn cầu yếu đi. Tuy nhiên, tiêu dùng trong nước mạnh hơn, dự kiến sẽ bù đắp phần chững lại từ bên ngoài.

Với kịch bản này, dự kiến nhu cầu nhân lực tăng thêm trong năm 2023 của TPHCM là khoảng 280.000 - 300.000 chỗ làm việc. Trong đó, nhu cầu nhân lực quý I cần khoảng 72.000 - 79.000 chỗ làm việc; quý II cần khoảng 66.000 - 72.500 chỗ làm việc; quý III cần khoảng 67.500 - 73.000 chỗ làm việc; quý IV cần khoảng 74.500 - 75.500 chỗ làm việc.

Kịch bản thứ hai, tăng trưởng kinh tế toàn cầu diễn biến theo chiều hướng tích cực, doanh nghiệp tại thành phố có cơ hội tăng đơn hàng xuất khẩu, mở rộng sản xuất; nhu cầu lao động tăng, tạo điều kiện ổn định thu nhập cho người lao động.

Với kịch bản này, dự kiến nhu cầu nhân lực cần thu hút thêm của TPHCM năm 2023 là khoảng 300.000 - 320.000 chỗ làm việc. Trong đó, nhu cầu nhân lực quý I cần khoảng 79.000 - 87.000 chỗ làm việc; quý II cần khoảng 72.500 - 75.500 chỗ làm việc; quý III cần khoảng 73.000 - 76.000 chỗ làm việc; quý IV cần khoảng 75.500 - 81.500 chỗ làm việc.

Nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động

Falmi đánh giá, thị trường lao động năm 2022 có nhiều chuyển biến tích cực khi kinh tế thành phố đẩy mạnh phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19. Nhu cầu tuyển dụng tăng tập trung ở các ngành công nghiệp chủ lực và một số ngành kinh tế - dịch vụ chủ yếu của thành phố.

Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm 2022, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng diễn ra đối với một số ngành dẫn đến việc cắt, giảm lao động, thiếu việc làm ở một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu giày da, may mặc, chế biến đồ gỗ...

Một điểm nổi bật trên thị trường là nhiều lao động bị mất việc làm không có nhu cầu tìm việc mới mà quyết định về quê nghỉ Tết sớm hơn dự kiến. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lại không tìm được lao động dù các cơ quan quản lý nhà nước đã tích cực hỗ trợ, kết nối cung cầu lao động…

Falmi đã khảo sát tại 15.507 doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động. Kết quả cho thấy, khó khăn lớn nhất là lao động không hài lòng về điều kiện làm việc (28,08% lượt lựa chọn), lao động không đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp (26,22% lượt lựa chọn)…

Đặc biệt, có đến 11,68% doanh nghiệp cho biết là lao động chê mức lương, thưởng thấp, chế độ phúc lợi không hấp dẫn.

Do đó, để đảm bảo tính ổn định bền vững cho thị trường lao động, Falmi kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình vay vốn để vượt qua khó khăn; quan tâm đến vấn đề an sinh cho người lao động, hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại nghề nghiệp; tăng cường kết nối cung - cầu lao động giữa các khu vực, các nhóm ngành nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có chính sách nhân sự lâu dài, ứng dụng công nghệ mới để đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị gián đoạn.

Người lao động cũng cần hết sức chia sẻ cùng doanh nghiệp để vượt qua khó khăn, không ngừng tự học tập nâng cao trình độ để có thể linh hoạt đáp ứng với sự thay đổi không ngừng của thị trường lao động.

Riêng tại TPHCM, Falmi cho rằng: "Để thành phố tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước thì một trong những giải pháp về lao động, việc làm là nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động, việc làm; nâng cao chất lượng đào tạo nghề nhằm cải thiện năng suất lao động; chú trọng thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực ngành y tế, giáo dục, du lịch… vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch".

Ngoài ra, Falmi kiến nghị TPHCM thực hiện cải cách chế độ công vụ, đổi mới công tác tuyển dụng, quản lý, đào tạo, đánh giá, khen thưởng, thúc đẩy tính chủ động sáng tạo, chịu trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Nhu cầu nhân lực của TPHCM trong năm 2023

Nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 86,45%, trong đó nhu cầu nhân lực có trình độ sơ cấp chiếm 16,77%, trung cấp chiếm 25,49%, cao đẳng chiếm 20,65%, đại học trở lên chiếm 23,54%.

Nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 70,61% tổng nhu cầu nhân lực năm 2023, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 28,06% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,33%.

Nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng yếu chiếm 20,3%, trong đó: ngành cơ khí chiếm 4,91%; điện tử - công nghệ thông tin chiếm 6,99%; chế biến tinh lương thực thực phẩm chiếm 3,78%, hóa dược - cao su chiếm 4,62%.

Nhu cầu nhân lực 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 57,69%, trong đó: ngành thương mại chiếm 15,22%; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng - hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu chiếm 4,5%; du lịch chiếm 5,66%; bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông chiếm 5,45%; tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm chiếm 5,93%; kinh doanh tài sản - bất động sản chiếm 5,91%; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học - công nghệ chiếm 5,3%; giáo dục và đào tạo chiếm 4,79%; y tế chiếm 4,93%.