1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lao động là thị trường trọng yếu của nền kinh tế

Xuân Hinh

(Dân trí) - Thị trường lao động ở Việt Nam được xác định là thị trường trọng yếu của nền kinh tế và cần được đổi mới, đẩy mạnh phát triển trong giai đoạn 2021-2025.

Lao động là thị trường trọng yếu của nền kinh tế - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập" hồi tháng 8/2022 (Ảnh: VGP).

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Nghị quyết nêu rõ, sau hơn 35 năm đổi mới đất nước, thị trường lao động Việt Nam đã có những bước phát triển cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, bền vững và hội nhập quốc tế. Hệ thống thể chế, chính sách thị trường lao động được hoàn thiện; quan hệ cung - cầu lao động gia tăng, chất lượng việc làm ngày càng cải thiện; từng bước chính thức hóa việc làm phi chính thức, tăng tỷ lệ lao động trong khu vực công nghiệp và dịch vụ giảm nhanh tỷ trọng việc làm dễ bị tổn thương.

Lao động Việt Nam từng bước đảm nhiệm những công việc phức tạp mà trước đây phải cần tới chuyên gia nước ngoài. Tiền lương và thu nhập người lao động được cải thiện. Năng suất lao động và năng lực cạnh tranh nâng lên, góp phần quan trọng vào thành tự về kinh tế - xã hội Việt Nam thời gian qua.

Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam vẫn phát triển chưa đủ mạnh để giải phóng mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, chưa tạo được nhiều việc làm theo hướng bền vững, mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các vùng, khu vực, ngành nghề và nhân lực chất lượng chưa cao.

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã làm cho thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề, khiến hàng triệu lao động bị giảm giờ làm, ngưng việc, mất việc, giảm thu nhập. Gần 2 triệu lao động đã rời khỏi thị trường lao động (chủ yếu là lao động tự do, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật), nhiều lao động di cư trở về quê... Việc đó dẫn đến cung cầu lao động bị mất cân bằng, khan hiếm lao động ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn, tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động.

Chính phủ xác định, cùng với thị trường hàng hóa - dịch vụ, tài chính, tiền tệ, khoa học và công nghệ và thị trường bất động sản, thị trường lao động được xác định là một thị trường trọng yếu của nền kinh tế và cần được đổi mới, đẩy mạnh phát triển trong giai đoạn hiện nay.

Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, quản lý và điều tiết phát triển thị trường lao động hiện đại, linh hoạt và hiệu quả tạo điều kiện để dịch chuyển lao động từ khu vực có năng suất lao động thấp sang khu vực có năng suất lao động cao hơn, giảm rủi ro, chi phí di chuyển lao động.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thị trường lao động đóng vai trò chủ động trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, đảm bảo kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%. Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động; duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%...

Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt 45%, 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 85%.

Để đạt được những mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, tổng kết đánh giá và tham mưu hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, giáo dục nghề nghiệp. Tập trung xây dựng dự án luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)/ và Đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Xây dựng mạng lưới thông tin và cơ sở dữ liệu thị trường lao động, nhu cầu kỹ năng tương lai; thường xuyên phân tích và công bố dự báo thị trường lao động; cung cấp thông tin thị trường lao động cho người lao động, người sử dụng lao động, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu.

Khẩn trương tham mưu xây dựng Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nghiên cứu, đề xuất ban hành các chính sách để triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng lao động...